|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Nâu Digital Creative và 'học phí' cho ba lần khởi nghiệp

15:24 | 01/10/2018
Chia sẻ
Từ bỏ mức lương 13.000 USD/tháng ở Singapore, Bùi Trần Phi Long trở về Việt Nam khởi nghiệp Digital Creative NÂU với tinh thần “Không làm việc theo thói quen, tự trị, độc đáo”.

Từng mất trắng, từng phải thế chấp cả nhà cửa để trả tiền lương cho nhân viên, anh đã ghi được những dấu ấn đầu tiên trong làng công nghệ Việt Nam bằng các giải pháp trải nghiệm người dùng, phần mềm di động trong ngân hàng…

Và mới đây nhất là Greenbot trồng rau bằng… đám mây, hệ thống quản trị nhân sự Goalify.Plus, hướng đến thị trường khu vực và toàn cầu.

Tốt nghiệp khoa xây dựng dân dụng và công nghiệp đại học kiến trúc năm 2004, rồi học thêm về thiết kế, hoạt hình tại Singapore, anh lập tức được nhận vào công ty Alebh đứng đầu về phần mềm di động trong ngân hàng với mức lương không nhỏ, lý do gì khiến anh quyết định cùng với một người bạn trở về Việt Nam để khởi nghiệp với Nâu, và trả giá không nhỏ cho những ngày đầu?

Thực ra thời sinh viên tôi đã cùng một người bạn Singapore khởi nghiệp trang thương mại điện tử Mfaxstory, chuyên bán các sản phẩm làm thủ công bằng tay.

Dự án đã tìm được một quỹ đầu tư thiên thần hỗ trợ, nhưng… thất bại, khiến tôi ngộ ra quản lý nhân sự mới là yếu tố then chốt trong khởi nghiệp.

Lúc ấy tôi sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài. Các bạn giỏi nhưng thiếu kết nối, không quan tâm đến chất lượng, không có tiếng nói chung. Trang thương mại này… chết trong trứng nước, tôi mất 50 ngàn đô Singapore.

Cũng chính thất bại này khiến tôi nhận ra mình có khả năng làm kinh doanh phần mềm! Muốn vậy, phải có một đội ngũ gắn bó, cùng chí hướng, đồng cam cộng khổ. Để làm được điều đó, phải về Việt Nam, vì đây là mảnh đất màu mỡ, nhiều cơ hội, nhiều nhân tài.

Cùng Trần Trọng Thanh, một người bạn rất giỏi về lập trình, năm 2014 chúng tôi về nước, khởi nghiệp với Nâu.

Thanh ngày xưa cùng làm với tôi trong lĩnh vực mobile banking ở công ty Alebh. Chúng tôi cùng mơ sẽ tạo dựng một môi trường làm việc đầy sáng tạo. Chính vị CEO của Alebh đã tạo cho chúng tôi những khách hàng đầu tiên. Ông ấy tin đội ngũ của tôi sẽ làm đúng chất lượng cho khách hàng của họ. Nâu đã khởi sự bằng dự án về ngân hàng thuộc bản quyền của Alebh, kiếm được tiền từ đó.

Nhờ dự án thu nhập cao làm cho các ngân hàng ở Singapore, Malaysia, Anh…, chúng tôi hình thành một đội khá tốt, lôi kéo được hai lập trình viên giỏi từ các công ty đa quốc gia về.

Nhưng con đường tôi muốn không dừng ở đó, sau một thời gian có đội ngũ vững tay, chúng tôi có thể làm những dự án đột phá.

Ban đầu lập Nâu, người ta nghĩ tôi rất nhiều tiền, thực ra hai đứa chẳng có đồng nào.

Hơn 10 tháng hai đứa không có lương, tiền của khách hàng dùng hết trả lương cho nhân viên. Đội ngũ phát triển lên 40 người, có lúc tiền về chậm trễ, tôi phải dùng tiền cá nhân để trả lương cho nhân viên, tìm mọi cách duy trì chất xám.

Nhiều lúc hai thằng ngồi nghĩ tại sao khổ sở vậy? Rồi lại tự an ủi nhau “đi tới bước này rồi, gần ba năm hoặc chết, hoặc sống, nên cứ cố hết sức để vượt qua”, lại tiếp tục làm mọi cách để công ty có thể sống, suy nghĩ những dự án riêng. May mắn thay, sau đó chúng tôi có những dự án tương đối để xoay xở.

Theo anh, đâu là khó khăn nhất với các dự án startup công nghệ? Làm thế nào để Nâu có thể vượt qua?

Khó khăn nhất là về dòng tiền, mình có tiền, nhưng dòng tiền không đều.

Ngành digital rất khó khăn để vay tiền ngân hàng. Mình phải thế chấp nhà để lấy tiền cho công ty hoạt động. Những gói vay khá khắt khe với các doanh nghiệp nhỏ, dù số tiền đó không nhiều. Từ xưa đến giờ ở Việt Nam, sản phẩm phần mềm, dịch vụ không có gì để thế chấp.

Khó khăn thứ hai là về nhân sự, vấn đề nhức nhối không chỉ với startup.

Hầu hết nhân sự ở Việt Nam coi công ty mới, công ty nhỏ như bãi đáp tạm thời, không gắn bó.

Tôi từng có một nhân viên ngồi đây hai ngày, sau đó gọi điện không trả lời, giống như biến mất khỏi trái đất vậy.

Làm việc với các bạn thế hệ 8X thì không có chuyện đó, nhưng thế hệ 9X thì xảy ra rất nhiều.

Có bạn mình vừa phỏng vấn, làm được một vài tháng là đi ngay chỗ khác làm, hơn nhau chỉ vài triệu đồng, làm mình tốn rất nhiều thời gian, công sức huấn luyện.

Các bạn không hiểu được rằng đối với những startup, nếu có đường hướng chính xác thì người làm cùng với mình có khả năng phát triển rất tốt, gần như một chân trời mới, có rất nhiều vấn đề để cọ xát, lại được đích thân sếp hướng dẫn, sửa sai, gần như một trường học mà không phải trả học phí…

Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để chọn đúng người đi chung với mình.

Đội ngũ startup cần rất nhiều người thiện chí, để có thể tối ưu công việc với nhau. Ba nhân vật đầu tiên thì ổn, nhưng những người tiếp theo thì có vấn đề về chất lượng.

ceo nau digital creative va hoc phi cho ba lan khoi nghiep
Bùi Trần Phi Long, người sáng lập công ty Digital Creative NÂU.

Dân lập trình có câu “không được giấu ngu”, vì làm sai từ đầu thì mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển, một người làm sai ảnh hưởng cả đội, đâu có chừa một ai.

Tôi phải tự đào tạo lại cho nhân viên. Tuyển chọn những sinh viên mới ra trường của đại học công nghệ thông tin, Tôn Đức Thắng có chỉ số IQ cao, quan trọng nhất với tôi là những bạn có thái độ muốn học. Tôi chủ trương không đề cao chủ nghĩa anh hùng, phải tuân theo luật chơi của anh em, vì người giỏi lỡ có chuyện gì là mất sạch.

Mỗi tuần 2 buổi huấn luyện, có trả bài, đậu mới cho qua. Cho đến giờ Nâu vẫn tiếp tục bài toán giữ người, ai đó ra đi rất đau lòng. Nếu đi vì tiền thì tôi không giữ, nếu ở lại để có cơ hội startup thì cố gắng giữ các bạn ở lại.

Đến nay, kinh doanh đã tạm ổn, Nâu đã ký được ba hợp đồng lớn với Thép Nguyễn Minh, AAA, Chợ tốt, tạo doanh thu ổn định cho mình

Trong startup, ý tưởng hay không bằng giữ được sự hòa hợp, kết nối chặt chẽ của những người sáng lập khi thành công, riêng Nâu thì sao?

Anh em làm với nhau đã hơn bảy năm rồi, cùng trải qua khó khăn, cùng nếm mùi vị thành công với nhau.

Trần Trọng Thanh học sư phạm, thích xây dựng môi trường và con người. Anh lớn hơn tôi một tuổi, rất giỏi nghề, có tâm, chịu tìm tòi. Thanh đảm nhận vai trò trưởng nhóm. Anh vốn ít nói, lo đối nội nhiều hơn.

Tôi thì lo đối ngoại, tài chính, kiểm soát, quản trị chung.

Còn về chuyên môn, tôi là người định hướng về sản phẩm, Thanh nắm toàn bộ về cấu trúc, còn Trần Tấn Quy phụ trách về kỹ thuật, dữ liệu và triển khai cho đội ngũ. Đó là sự bổ trợ cho nhau rất chặt chẽ

Nếm nhiều “của đắng” thế rồi, anh có quá mạo hiểm khi lại bắt tay khởi nghiệp lần thứ hai với Greenbot - trồng rau bằng… đám mây?

Thực phẩm bẩn tràn lan ám ảnh bữa cơm của từng gia đình Việt Nam khiến chúng tôi không thể ngồi yên.

Làm thế nào để áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào trồng rau thủy canh, kiểm soát từ khâu đầu tới khâu cuối cùng, giúp cho người trồng rau chỉ việc bỏ cây vào và chờ tới ngày thu hoạch mà không cần phải lo lắng gì hết?

Tìm hiểu những quy trình hiện có trên thế giới, thấy nhiều khách hàng không có kiến thức, cây cũng chết lên chết xuống. Tập hợp các ứng dụng công nghệ sinh học, dung dịch dinh dưỡng… mới thấy để hoàn thiện một dàn trồng thủy canh phải có một trăm mấy chục linh kiện trong đó, kiếm cực khổ vô cùng.

Ngay cả con ốc bằng đồng bị dung dịch dinh dưỡng kết tủa rất ghê, thay bằng ốc nhựa cũng phải tìm từ Hàn Quốc về. Do thiết bị tiếp xúc trực tiếp với chất dinh dưỡng nuôi cây nên rất thận trọng.

Ở Việt Nam, công nghệ thủy canh đang bị nhầm lẫn. Robot trồng rau thủy canh của Nâu có một điểm cực kỳ mạnh là kết nối được với dữ liệu lớn để tự học, khôn lên mỗi ngày.

Hôm nay giàn cây mình trồng có gì không ổn, nhưng giàn bên kia lên rất xanh tươi thì giàn bên đó sẽ thu thập tất cả các dữ liệu để truyền cho giàn bên này, làm cho nó rất thông minh.

Khi nhiệt độ thay đổi bên ngoài thì dàn máy sẽ phản ứng lại liền, chuyển lên hệ thống, có thuật toán phân tích để giúp cây tốt lên mà người trồng không hề hay biết.

Ứng dụng này giúp cây sống và phát triển mà khách hàng không cần làm gì hết. Bơm dinh dưỡng tự biết tới đâu dừng, mức dinh dưỡng tới đâu là vừa để không bị nguy hiểm, kiểm soát không bị dư lượng.

Bên cạnh giàn ngoài trời, Nâu còn thiết kế thêm giàn trong nhà nhỏ hơn nữa, có thể trồng trong góc chung cư.

Đó là cả một quá trình chông gai, mất 6 tháng để lên quy trình, làm ra ai mua, ai sản xuất? Bạn Nguyễn Trung Chính nghiên cứu phần mềm, phần cứng, thấy ổn, có ánh sáng rồi. Bắt tay vô làm.

Nhưng quá trình thử nghiệm ra sản phẩm để có thể sản xuất hàng loạt là vô cùng gian nan, thay rất nhiều máy bơm, mao mạch trong quá trình tương tác vì không bảo đảm chất lượng.

Lúc đầu ra cái dàn xấu hoắc, tìm hoài không ra người làm mẫu sản phẩm ra hồn. Tìm ra được mẫu rồi thì chi phí sản xuất cao… rồi tìm nhà cung cấp, nhà phân phối…

Chỉ nghĩ phải làm cho bằng được, phải đi tiếp dù “đụng đầu” liên tục, phải làm tiếp cho hoàn thiện nhất, giống như tinh thần của người Nhật.

Nhiều startup vội, muốn thành công, có tiếng nhanh, không chịu kỹ lưỡng sẽ chết.

Mình nghiệm ra mọi thứ quyết liệt nhưng phải kiên nhẫn, nóng vội là hư bột hư đường liền.

Sau một năm rưỡi nghiên cứu, Nâu đã mang thành quả của mình vào triển lãm Vietbuild, hiệu ứng thế nào?

Rất tốt, đại lý ở miền Nam, miền Trung đã bắt đầu đặt hàng. Nhưng do đi trước thị trường quá nhiều nên khó khăn để phát triển lớn hơn.

Với giá bán 20 triệu/giàn, gấp đôi so với giàn bình thường đang bán ở thị trường, rất khó hạ giá thành do hàm lượng công nghệ quá nhiều. Đây cũng là bài học, vì người mua không cần tới mức đó.

Khả năng mở rộng thị trường ra Bắc khó, gần như phải mang cả nhà máy, ở TP HCM thì cây phát triển tốt, nhưng ở Hà Nội thời tiết thất thường, lạnh thì lạnh quá, nóng thì khắc nghiệt, rau khó phát triển.

Miền Nam có những loại rau đặc thù khác miền Bắc cũng là một bài toán.

Giữ mãi một tinh thần khởi nghiệp, anh lại đầu tư hơn 1 tỷ cho lần khởi nghiệp thứ ba, với hệ thống quản lý nhân sự Goalify.plus?

Trong những ngày giáp Tết, ngồi nhìn lại, thấy công ty phát triển nhưng rất nhiều chuyện xảy ra trong nội bộ khiến mình phải đặt câu hỏi tại sao?

Công ty có rất nhiều gãy đổ, không thống nhất cùng nhau một mục tiêu. Những người gần mình thì rất hiểu, cụ thể như bạn thiết kế, ngồi đâu thì ngồi, bộ máy vẫn hoạt động.

Nhưng bộ phận khác thì dường như chệch hướng. Tự kiểm lại xem mình làm đúng, làm sai cái gì? Trên thế giới đang làm gì?

Tôi “đẻ” ra dự án tiếp theo, tập trung giải quyết công cụ quản trị mục tiêu, quản trị nhân sự và quản trị văn hóa cho doanh nghiệp.

Ngoài việc kinh doanh bình thường, doanh nghiệp có vấn đề rất lớn là thống nhất mục tiêu với nhau.

Không phải nhân viên nào cũng hiểu được muốn phát triển mạnh, tạo ra bước ngoặt gì đó mới mẻ thì chính mình phải làm gì?

Làm thế nào truyền đạt thông tin đó cho từng nhân viên? Nếu đội ngũ còn nhỏ thì dễ dàng, nhưng khi đội ngũ lớn dần lên thì rất khó để truyền đạt điều đó.

Dự án này như một mạng xã hội thu nhỏ, với những công cụ giúp công ty quản lý mục tiêu và giúp cho ông chủ nói chuyện hàng ngày với nhân viên, hiểu được tâm tư tình cảm của từng nhân viên, kết quả công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng năm của từng người...

Phương pháp OKA này đã từng được Google sử dụng ngay từ đầu, nhưng ở Việt Nam thì chưa có công ty nào làm.

Lần khởi nghiệp này có khá nhiều thành viên tham gia, có bộ phận tài chính riêng rất minh bạch nên tôi không bị áp lực nhiều.

Trên cơ bản làm gì đầu tiên cũng phải minh bạch. Mọi đổ vỡ đều từ không minh bạch mà ra.

Goalify.plus dựa trên tính minh bạch, rõ ràng, làm cho khá nhiều người không hài lòng và hài lòng. Vì làm đúng rất khó. Còn nhắm mắt cho qua thì dễ hơn.

Bắt đầu từ khúc mắc của riêng tôi, đi tìm, nghiên cứu, lại là xu hướng.

Thị trường công nghệ nhân sự đang cực kỳ tiềm năng, có nhiều vấn đề xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.

Sản phẩm của tôi không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Chúng tôi ưu tiên bán cho doanh nghiệp nhỏ từ 5 người với giá khoảng 100 USD để cùng phát triển, khi họ lớn lên dần thì mình cũng được hưởng lợi cao hơn.

Dự đoán thị trường tiềm năng trên toàn thế giới khoảng chừng hơn 3 tỷ USD, nếu riêng thị trường Singapore khoảng 1,3 tỷ USD. Tôi muốn đánh vô thị trường Singapore đầu tiên. Ở Sing có chừng hơn 1 triệu doanh nghiệp nhỏ nằm trong phân khúc của mình.

Ở Việt Nam tiềm năng cũng lớn, với khoảng 300 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quản lý 40 lập trình viên đầy cá tính, làm thế nào để anh và đội ngũ của mình cùng vượt qua áp lực liên tục của nghề, để luôn nghĩ ra cái mới?

Khó lắm, ngày xưa mình nghĩ ai cũng chịu áp lực giống mình, nhưng giờ tôi hiểu mỗi người có khả năng chịu áp lực ở những lĩnh vực khác nhau. Là người luôn nghĩ ra sản phẩm mới, riết rồi quen. Giống như người ta chơi game, thích kiếm cái game nào mới, nhưng không chạy ra khỏi lĩnh vực mình thích nhất là digital.

Giải quyết vấn đề cho mình cũng chính là cho mọi người thôi. Áp lực chạy doanh số, marketing cũng nhiều thú vị.

Quay lại, quan trọng nhất vẫn là có chung tầm nhìn hay không, có chịu đánh đổi sự thoải mái để cùng chịu áp lực hay không?

Khi xác định mục tiêu giống mình thì dù ngày hay đêm cũng làm, vì làm cho mình mà, phải thấy vui mới làm chứ.

Bản thân tôi luôn coi công việc giống như thú chơi vậy đó, nên không áp lực.

May mắn xung quanh tôi có rất nhiều bạn giỏi và chịu khó. Tôi hình dung được khả năng của từng người để giao hoàn toàn cho họ, chỉ cần định hướng thôi, trừ những việc quá quan trọng.

Làm thế nào để vượt qua những điểm rơi trong cảm xúc, tái tạo năng lượng sáng tạo?

Thực sự trong cách vận hành, tôi không quá “đàn áp” nhân viên để chạy theo kế hoạch.

Nếu một người có khả năng tự chủ bản thân thì vẫn nhởn nhơ dù công việc ngập đầu, 8 tiếng làm việc rất hiệu quả, chứ không phải 15 tiếng nhây…

Với riêng tôi, công việc nhiều cỡ nào thì bản thân mình phải tự chủ được sức khỏe, nhịp sống của mình.

Bình thường tôi thức dậy 6 giờ, check mail cái nào quan trọng trả lời ngay, sau đó đọc tin tức, chơi với con, kiểm tra công việc.

Lúc nào mình cũng có danh sách công việc quan trọng, chỉ cần mỗi ngày giải quyết 5 chuyện thôi.

Chọn lúc năng lượng tốt nhất trong ngày giải quyết việc quan trọng nhất, sau đó làm việc không quan trọng, đó là định luật 20-80: 20% thời gian, 80% kết quả.

Còn thời gian tôi chạy bộ tiếng rưỡi, thay vì ngồi đó lướt Facebook.

Tôi đã từng trải qua những giai đoạn cùng cực nhất, lúc ấy tôi tìm đến thiền.

Sau đó tôi hiểu mọi việc đều có nguyên nhân, kết quả, bình tĩnh tìm hiểu để giải quyết. Tâm bình thì mọi việc bình.

Một trong những nguyên tắc của mình là không gì có thể không giải quyết được, trừ việc mình làm có đúng hay sai thôi.

Thiền cũng giúp tôi kiên nhẫn hơn, nếu không tìm được thì bình tĩnh ngồi chờ, tự nhiên sẽ thấy được con đường.

Điều gì thôi thúc anh cứ mải mê theo đuổi hết dự án này đến dự án khác?

Thật ra tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi đó, chỉ là thấy thích thì làm thôi.

Tôi thích được tự do với những gì mình suy nghĩ, chịu trách nhiệm với việc mình làm, được thử thách, mày mò, ngày qua ngày mới giật mình thì ra càng làm càng đẻ ra nhiều thứ thế này, không nghĩ đó là cái gì to tát.

Một trong những điều mình thích là tương tác với con người. Kinh doanh tạo cho mình rất nhiều cơ hội để tương tác với nhiều người.

Club Quản trị & khởi nghiệp là nơi kết nối rất nhiều người giỏi. Sự kết nối, tương tác sẽ đưa ra những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, cá thể, chia sẻ nguồn lực kinh tế, tri thức, kể cả trong lĩnh vực ngân hàng.

Công nghệ cho phép kết nối nhanh, chính xác tới nhu cầu người dùng, giải quyết những sở thích rất cá nhân.

Trí khôn nhân tạo cũng là bước phát triển, nhưng cũng đe dọa với nguồn lao động chân tay, đây là thời đại của sự thay thế.

Trên Facebook của mình, thấy anh còn chia sẻ đam mê với việc sưu tập giày và đồng hồ?

Giày và đồng hồ vừa là thú chơi, vừa mang tính văn hóa chứ không đơn giản là vật dụng. Mỗi thương hiệu giày là cả một câu chuyện thú vị.

Đồng hồ cũng vậy, như chiếc đồng hồ tôi đang đeo được đặt làm riêng cho tôi, phía trên là ngày sinh của tôi và vợ, con mình, phía đưới là tên tôi, in bằng bản kẽm riêng rất tinh xảo.

Khi chơi đồng hồ tôi cũng được làm quen với rất nhiều người thú vị, biết thêm nhiều câu chuyện mới. Nếu chơi mà biết chơi, lại trở thành một cách đầu tư.

Anh cũng vừa cùng đội ngũ của mình có một cuộc leo núi vô cùng mạo hiểm lên đỉnh Ma Thiên Lãnh, chuyến đi mang lại cho anh điều gì?

Đó là một cung đường khó, núi đá cheo leo, đòi hỏi phải luyện tập thể lực rất kỹ. Trong nhóm tôi có hai bạn nữ không lượng sức mình.

Giữa núi rừng đâu có đường nào lui, bên này là vực sâu, bên kia là cây gai, trời lại mưa, tối đen như mực.

Lúc đó tôi nói với hai bạn nữ hãy xài hết sức mà đi không có gì phải sợ. May trong đoàn có hai bạn đi rừng rất giỏi chạy xuống phụ đẩy mấy bạn này lên tới nơi.

Cực khổ 12 tiếng đồng hồ, chuyến đi kinh hoàng, leo tới đỉnh cảm giác vỡ òa. Tôi rất phục hai bạn nữ, vì nếu hai bạn đó không lên được thì cả đoàn phải ở lại. Sự quyết tâm của các bạn, sự hỗ trợ của những người trong đội với nhau tạo nên tinh thần đoàn kết.

Đây là chuyến đi nhớ đời, chúng tôi thấy mình mạnh hơn.

Xem thêm