|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hứa 200 tỷ nhưng giải ngân 21 tỷ: Tiền của các Shark kiếm được đâu phải lá mít quét được ngoài đường?

14:35 | 24/05/2022
Chia sẻ
Nhân câu chuyện rót vốn tại Shark Tank Việt Nam lan truyền mạng xã hội, ông Mai Quốc Bình, CEO Thế Giới Giấy đã nêu quan điểm cá nhân nhằm đưa ra góc nhìn tích cực hơn dành cho startup khi lên sóng truyền hình.

 Ông Mai Quốc Bình, CEO Thế Giới Giấy. (Ảnh: FBNV).

"Nhìn một cách tích cực, dù sao thì Shark Tank cũng chỉ là một game show truyền hình dạng vui chơi có thưởng. Đã là game show vui chơi có thưởng thì có người được nhiều, có người được ít, có người không được gì đó là chuyện thường. Miễn là nó có tính giải trí, hấp dẫn, kịch tính ở trong đó để người xem luôn có cảm giác chờ đợi chương trình lên sóng là tốt rồi" - đây là quan điểm của ông Mai Quốc Bình, Chủ tịch kiêm CEO Thế Giới Giấy về chương trình Shark Tank Việt Nam.

Về vấn đề đang được bàn tán rất nhiều trong dư luận những ngày qua - chuyện rót vốn thực tế của shark, ông Bình cho rằng chuyện các cá mập của chương trình không dễ dàng chi tiền đầu tư là một chuyện hết sức bình thường.

"Tiền của các Shark kiếm được đâu phải lá mít quét được ngoài đường?" CEO Mai Quốc Bình bình luận. Theo ông Bình, các cá mập phải có trách nhiệm với khoản đầu tư của họ nhằm mục tiêu tạo ra hiệu quả cao nhất và trách nhiệm càng cao khi tiền của họ đến từ cổ đông.

Ông Bình đồng tình với việc hội đồng đầu tư của chương trình có ít thời gian, chưa đủ để hiểu hết về startup trên sóng truyền hình. Do đó, các shark chỉ có thể nhìn thấy góc nhìn chung về dự án khởi nghiệp và cân nhắc liệu nó có phù hợp với họ hay không.

"Đâu phải hứa trên sóng rồi ngày mai về chuyển tiền? Hàng nhiều tỷ đồng chứ đâu phải vài triệu đồng? Các Shark còn phải thẩm định tình hình kinh doanh, số liệu tài chính... của startup. Nếu thực tế nó khác với những gì trên sóng thì Shark hoàn toàn có thể từ chối xuống tiền hoặc giảm định giá xuống", ông Bình nêu quan điểm.

Đồng thời, CEO Thế Giới Giấy tin rằng việc startup lên sóng truyền hình gọi vốn là một lợi ích lớn. Cụ thể, startup sẽ được xuất hiện trên khung giờ vàng phát sóng của đài truyền hình quốc gia và nhờ màn thuyết trình với hội đồng đầu tư, startup sẽ nhìn ra chỗ hay/dở của dự án khởi nghiệp để có thể điều chỉnh hoặc phát huy.

"Thử hỏi các startup lên sóng họ bị mất cái gì? Cùng lắm vài câu nói khó nghe, cùng lắm bị quê xíu khi bị Shark chê. Nhưng, như Tào Tháo nói "Họ có chửi vài câu thì đã sao? Ta đâu có mất đi cọng lông nào đâu?", ông Bình nêu quan điểm. Bản thân vị CEO cũng chia sẻ rằng ông đã mất tới 3,5 năm để chuẩn bị hồ sơ cho màn gọi vốn trước khi cầm được mấy chục tỷ của nhà đầu tư.

"Nhà đầu tư luôn có lý do của họ. Họ chỉ xuống tiền với những dự án thật sự tiềm năng, CEO phải là người quyết liệt, máu lửa, dẫn thân và có tính cam kết cao. Số liệu chưa ổn một xíu có thể được chiếu cố, mô hình kinh doanh chưa được ngon lành họ có thể giúp bạn căn chỉnh nó. nhưng sự chính trực và sự cầu thị của chủ startup sẽ quyết định phần lớn đến việc rót vốn của các Shark", ông Mai Quốc Bình đưa ra lời khuyên.

Trong những ngày qua, Shark Tank Việt Nam trở thành tâm điểm dư luận cũng như giới khởi nghiệp. Trong mùa 4 vừa qua, các cá mập của chương trình mới chỉ thực rót hơn 21 tỷ đồng cho 4 startup/35 deal đã cam kết trên truyền hình, chiếm 10% trong tổng số hơn 200 tỷ đồng cam kết rót vốn. Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, trong đó luồng ý kiến chương trình chỉ thuần giải trí của TV show và không mang lại nhiều kết quả cho startup được mang ra bàn tán trở lại.

Doanh Chính