CEO JPMorgan lo lắng nhất về các rủi ro địa chính trị
Theo ông Dimon, bất ổn địa chính trị là một trong những thách thức lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt hiện nay.
Tại hội nghị đầu tư diễn ra tại Riyadh ngày 25/10, ông Dimon đã liệt kê một loạt những vấn đề như xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc và mối quan hệ của các nước phương Tây. Vị CEO nhấn mạnh những vấn đề này đáng lo ngại hơn so với một cuộc suy thoái dù mức độ suy thoái là nặng hay nhẹ.
Ông Dimon nói: “Suy thoái không phải là điều đáng lo nhất, vì chúng ta vẫn có thể vượt qua thách thức này”.
Theo bản cập nhật kinh tế khu vực của Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tháng này, cuộc chiến tại Ukraine đã “phủ mây đen” lên triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Âu và Trung Á, với mức tăng trưởng tối thiểu là 0,3% trong năm 2023 do cú sốc giá năng lượng.
Theo ước tính gần đây của WB, nhu cầu phục hồi và tái thiết của nước này có chi phí ít nhất là 349 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần quy mô của kinh tế Ukraine năm 2021, thời điểm trước khi xảy ra xung đột.
Tác động toàn cầu của cuộc chiến Ukraine
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến GDP toàn cầu thiệt hại 2.800 tỷ USD vào cuối năm 2023. Con số thậm chí sẽ lớn hơn nếu một mùa đông khắc nghiệt buộc châu Âu phải hạn chế sử dụng năng lượng.
Theo OECD, cuộc chiến tại Ukraine đã thổi giá năng lượng lên cao, làm suy yếu chi tiêu hộ gia đình và niềm tin kinh doanh. Xung đột đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng thiếu lương thực, các nhu yếu phẩm khác và làm rung lắc các thị trường trên toàn cầu.
Trong khi đó, báo cáo của WB cảnh báo xung đột tiếp tục làm suy yếu kinh tế toàn cầu khi những gián đoạn đáng kể trong trao đổi thương mại và cú sốc về giá lương thực, nhiên liệu đẩy lạm phát lên cao và thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.
WB lưu ý giao tranh kéo dài có thể gây ra thiệt hại kinh tế và môi trường lớn hơn đáng kể và có thể làm đứt mạch thương mại và đầu tư quốc tế. Rủi ro về căng thẳng tài chính cũng tăng cao, do mức nợ và lạm phát cao hơn.
Bà Anna Bjerde, Phó Chủ tịch WB phụ trách châu Âu và Trung Á, nói: “Các cuộc khủng hoảng chồng chéo dưới tác động của xung đột Ukraine, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và đà tăng của giá thực phẩm, nhiên liệu là những lời nhắc nhở các chính phủ cần phải chuẩn bị để đối phó với những cú sốc lớn và bất ngờ”.
Theo WB, những bài học từ đại dịch vừa qua là chỉ dẫn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các hệ thống bảo vệ xã hội thích ứng và bao trùm để đối phó với những cú sốc ngắn hạn lẫn xu hướng dài hạn đang biến đổi thị trường lao động, như toàn cầu hóa, sự thay đổi nhân khẩu học, quá trình đổi mới công nghệ và tác động của biến đổi khí hậu.
Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia
Đánh giá về quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, CEO Jamie Dimon cho rằng Riyadh và Washington vẫn có thể giải quyết những căng thẳng gần đây. Ông Dimon nói: “Không có đồng minh nào cùng quan điểm với nhau về mọi vấn đề. Hai nước sẽ nỗ lực giải quyết bất đồng và vẫn sẽ là đồng minh trong tương lai”.
Theo ông Dimon, chính sách của Mỹ không nhất thiết là mọi thứ phải diễn ra theo cách của họ.
Bình luận của ông Dimon được đưa ra giữa bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đã trở nên căng thẳng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, thông báo cắt giảm sản lượng bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đe dọa về những hậu quả mà Saudi Arabia phải đối mặt khi theo đuổi chính sách giảm sản lượng. Động thái của OPEC+ nói chung và Riyadh nói riêng có nguy cơ gây rạn nứt cho quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arbia.
Dù vậy, tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai của Saudi Arabia, Bộ trưởng Đầu tư của Saudi Arbia là ông Khalid Al-Falih khẳng định: “Về lâu dài, chúng tôi là đồng minh thân cận. Chúng tôi sẽ vượt qua những tranh cãi không đáng có gần đây và hy vọng đó chỉ là một sự hiểu lầm.”