|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 5/4: Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới

07:44 | 05/04/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan mạnh trên toàn cầu khiến hơn 1,2 triệu người mắc và hơn 64.000 người tử vong. Tại Việt Nam, sáng 5/4 không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới nào.

Tính đến 7h sáng nay (5/4), toàn thế giới đã ghi nhận 1.201.443 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 64.675 người đã tử vong và 246.174 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 5/4: Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới - Ảnh 1.

Hơn 64.000 người tử vong do COVID-19 trên toàn cầu ghi nhận đến sáng nay (5/4). (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam không có ca nhiễm mới vào buổi sáng

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 7h sáng nay (5/4), Việt Nam vẫn ghi nhận tổng cộng 240 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó 90 người đã khỏi bệnh, không có ca nhiễm mới nào được công bố vào đầu buổi sáng. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy sự hiệu quả của quá trình giãn cách xã hội, khoanh vùng và cách li của Việt Nam.

Trong tổng số 240 ca nhiễm, có 149 ca từ nước ngoài nhâp cảnh (chiếm 62,1%) và 91 ca lây nhiễm thứ phát.

Ngoài ra, tính đến hết ngày (4/4), có 17.754 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ, 3.736 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 73.925 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (trong đó có 36.577 người cách li tại nhà, nơi cư trú).

Đến nay đã có 30 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc; TP HCM; Khánh Hòa; Thanh Hóa; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Ninh; Lào Cai; Đà Nẵng; Huế; Quảng Nam; Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk.

Chiều 4/4, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch COVID-19.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về xây dựng, thiết lập bệnh viện dã chiến.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có sẵn,…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Trên thế giới: Số ca nhiễm và tử vong ở Pháp vượt Trung Quốc

Tính đến sáng nay (5/4), Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.639 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.326 ca tử vong. Đáng chú ý, các ca mới ghi nhận trong ngày tại quốc gia này chủ yếu vẫn là các ca nhập cảnh.

Trung Quốc dường như đã vượt qua cơn bùng phát tồi tệ nhất và cuộc sống bình thường đã trở lại ở một số nơi, nhưng nỗi sợ về một làn sóng dịch bệnh thứ 2 vẫn đang thường trực, theo AFP.

Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 310.214 ca nhiễm và 8.444 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 33.053 (cao kỉ lục) và 1.040 ca so với một ngày trước đó.

New York vẫn là tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại quốc gia Châu Mỹ này với 630 người tử vong trong vòng 24h qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ triển khai thêm 1.000 nhân viên quân sự tới New York nhằm giúp thành phố này kiểm soát được dịch COVID-19.

Ông Trump hôm 4/4 cũng cảnh báo rằng nước Mỹ đang hướng tới một tuần đầy khó khăn. "Đây sẽ là tuần khó khăn nhất", ông Trump nói trong cuộc họp báo thường nhật của Nhà Trắng về virus corona. "Thật không may, sẽ có rất nhiều người chết".

Châu Âu tiếp tục gánh chịu hậu quả năng nề của dịch bệnh khi chiếm hơn 45.000 ca tử vong trên toàn thế giới.

Trong đó, Tây Ban Nha hôm qua (4/4) đã vượt Italy về số ca nhiễm và trở thành ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới với tổng cộng 126.168 ca nhiễm và 11.947 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 6.969 và 749 ca so với một ngày trước đó.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 4/4 đã phải gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 25/4 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, theo hãng tin AFP.

Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 4.805 ca nhiễm và 681 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 124.632 và 15.362. Italy hiện vẫn là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 tại Châu Âu và lớn thứ 4 trên thế giới với 96.092 ca nhiễm, 1.444 ca tử vong, tăng lần lượt 4.933 và 169 ca so với một ngày trước đó. Đức cũng là quốc gia có tỉ lệ tử vong do dịch COVID-19 thấp nhất ở Châu Âu.

Chính phủ Đức đã quyết định kéo dài lệnh đóng cửa trường học, đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu cùng hoạt động vui chơi giải trí ít nhất đến ngày 20/4.

Pháp hôm qua ghi nhận thêm 1.053 ca tử vong và 7.788 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 7.560 và 89.953. Con số này đã đưa Pháp vượt qua Trung Quốc và trở thành ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới.

Đến sáng nay, Anh có thêm 3.735 ca nhiễm COVID-19 và 708 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 41.903 và 4.313 ca. Chính phủ nước này thông báo có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội trong vài tuần tới nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này thuyên giảm và việc xét nghiệm được tiến hành trên qui mô lớn hơn.            

Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á (sau Trung Quốc đại lục) với 55.743 ca nhiễm và 3.452 ca tử vong, tăng lần lượt 2.560 và 157 ca so với một ngày trước đó.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.483 ca nhiễm và 57 ca tử vong, tăng lần lượt 150 và 4 ca so trong vòng 24h qua. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với 3.094 ca nhiễm và 144 ca tử vong, tăng lần lượt 76 và 8 ca.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 2.092 ca nhiễm và 191 ca tử vong; tăng lần lượt 106 và 10 ca so với một ngày trước đó.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 89 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.882 và 25 ca. Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan thông báo nước này sẽ tạm thời cấm tất cả chuyến bay chở khách hạ cánh xuống Thái Lan.

Hà Lê