|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/6: Hơn 9,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức tái phong tỏa một quận sau khi phát hiện một ổ dịch mới

07:09 | 24/06/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có hơn 9,3 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, 69 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Đức tái phong tỏa một quận đến hết 30/6 nhằm ngăn chặn dịch lây lan sau khi phát hiện một ổ dịch mới.

69 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 25/6

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 69 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.

Tính đến 6h ngày 24/6, Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 6.318. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/6: Hơn 9,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức tái phong tỏa một quận sau khi phát hiện một ổ dịch mới - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 329/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,3% tổng số ca bệnh.

20 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định, trong đó tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bà Rịa có số bệnh nhân đông nhất, hiện đang điều trị 7 trường hợp. 

Tính đến sáng ngày 24/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có ba bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Liên quan đến sức khoẻ của bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện sức khỏe bệnh nhân tri giác tỉnh hoàn toàn, sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân; phổi cải thiện gần 90 %, đã ngưng ô xy, thở khí phòng.

Bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lí trị liệu, phục hồi chức nặng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2 - 3 tuần để phục hồi thể trạng để đảo có thể đi lại an toàn khi  di chuyển.

Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 98 ngày điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Hơn 9,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức tái phong tỏa một quận sau khi phát hiện một điểm ổ dịch mới

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 24/6, toàn thế giới có tổng cộng 9.341.731 ca mắc COVID-19, trong đó có 478.908 người tử vong và 5.034.025 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 2.423.348 ca nhiễm và 123.484 ca tử vong, tăng lần lượt 35.195 và 874 ca trong 24 giờ qua.

Theo nguồn tin từ AFP, giới chức ở các bang miền nam nước Mỹ đang lo ngại về tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ dương tính với COVID-19. Sự thay đổi này được ghi nhận tại các bang như Florida, Nam Carolina, Georgia, Texas cùng nhiều bang khác. 

Tổng thống Mỹ Donald rump cho rằng số người chết vì COVID-19 tại Mỹ có thể lên tới 150.000 và cao hơn nữa, trong bối cảnh hàng loạt cụm dịch mới xuất hiện.

Brazil đã vượt quá 1 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 1.151.479 ca sau khi ghi nhận thêm 40.131 ca trong 24 giờ qua. Quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Mặc dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22/6 khẳng định, phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra là quá “phóng đại”. 

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/6: Hơn 9,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức tái phong tỏa một quận sau khi phát hiện một ổ dịch mới - Ảnh 2.

Nhân viên phun hóa chất tẩy trùng các lô hàng tại một nhà kho của chính quyền thành phố Curitiba, thủ phủ bang Parana, Brazil. (Ảnh: AFP).

Đồng thời, tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội. 

Nga, vùng dịch lớn thứ ba thế giới báo cáo thêm 153 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 8.359. Số ca nhiễm tăng thêm 7.425 lên tổng số 599.705 ca. Nước này bắt đầu nới phong tỏa từ 12/5 và các địa phương áp dụng cách chống dịch khác nhau.

Anh báo cáo thêm 921 ca nhiễm và 280 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 306.210 và 42.927. Nước này đang tiến hành tái mở cửa một cách thận trọng. 

Theo nguồn tin từ Reuters, Thủ tướng Anh ngày 23/6 thông báo nới lỏng thêm các hạn chế, theo đó, các địa điểm được mở cửa trở lại từ 4/7 gồm nhà hàng, quán rượu, khách sạn, nhà nghỉ, khu cắm trại, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng trưng bày.

Qui định giãn cách 2 m ở nơi công cộng sẽ được giảm xuống còn 1 m. Tất cả trường học dự kiến mở cửa lại vào tháng 9. Tuy nhiên, các câu lạc bộ đêm, phòng tập gym và bể bơi vẫn đóng cửa.

Cũng tại châu Âu, Đức báo cáo thêm 659 ca nhiễm và 17 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 192.778 và 8.986 ca

Theo nguồn tin từ AFP, bang Bắc Rhine-Westphalia của Đức tái phong tỏa toàn bộ quận Gueterloh, sau khi phát hiện hơn 1.500 ca nhiễm COVID-19  tại cụm dịch nhà máy thịt Rheda-Wiedenbruck.

Các biện pháp phong tỏa tại Guetersloh sẽ có hiệu lực trong một tuần, kể từ ngày 23/6 đến ngày 30/6 và sẽ tương tự như các biện pháp phong tỏa được áp dụng hồi tháng 3

Người dân ở quận Gueterloh chỉ được tiếp xúc với thành viên trong gia đình hoặc một người từ bên ngoài. Các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và quán bar sẽ đóng cửa, trong khi các nhà hàng có thể tiếp tục phục vụ cho những người cùng một gia đình.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 24/6: Hơn 9,3 triệu ca nhiễm toàn cầu, Đức tái phong tỏa một quận sau khi phát hiện một ổ dịch mới - Ảnh 3.

Nhà máy chế biến thịt của công ty Toennies ở bang North Rheda-Wiedenbrueck, Đức. (Ảnh: Reuters).

Tại khu vực châu Á, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 456.062 ca nhiễm và 14.483 ca tử vong, tăng lần lượt 15.612 và 468.

Hệ thống y tế Ấn Độ còn đang chuẩn bị đối mặt với các căn bệnh theo mùa như sốt xuất huyết và sốt rét, được cho là sẽ khiến việc xử lí dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổng số ca mắc COVID-19 là 83.418 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới, trong đó có 13 ca ở thủ đô Bắc Kinh và vẫn ghi nhận 4.634 ca tử vong.

Thủ đô Bắc Kinh hiện là vùng dịch nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ đầu tháng 2. Chỉ vài ngày sau ca nhiễm đầu tiên, thành phố nâng trở lại mức cảnh báo lên cấp hai, mức cao thứ hai trong hệ thống ứng phó khẩn cấp 4 cấp, đồng thời áp đặt lại nhiều hạn chế với người dân.

Hiện giới chức Trung Quốc đang hạn chế hoạt động đi lại của người dân ở Bắc Kinh và tăng cường nhiều biện pháp khác để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại. 

Tại Hàn Quốc, theo nguồn tin từ Yonhap cho biết, cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính tới 10h ngày 23/6, quốc gia này ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới, trong đó có 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19  ở Hàn Quốc lên 12.484 ca. 

KCDC cho biết, khu vực đô thị (Seoul và vùng phụ cận) đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống SARS-CoV-2 kéo dài.

Mai Anh