|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 16/3: Việt Nam có 57 ca nhiễm, Italy trong một ngày có thêm 368 ca tử vong

07:45 | 16/03/2020
Chia sẻ
Italy ghi nhận thêm 368 ca tử vong và 3.590 người nhiễm mới trong vòng 24h qua. Trong khi đó, tại Việt Nam, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên 57.

Đến 7h sáng nay (16/3), trang thống kê toàn cầu Worldometers cho biết, tổng số ca nhiễm chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) trên toàn thế giới là 169.362 người, số ca tử vong là 6.501 người và số ca hồi phục là 76.618 người.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại hơn 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 16/3: Việt Nam có 57 ca nhiễm,Italy thêm 368 ca tử vong chỉ trong một ngày - Ảnh 1.

Số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới vượt 6.000 người. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Tổng số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 57

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến tối qua qua (15/3), Việt Nam ghi nhận tổng cộng 57 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó 16 người đã được chữa khỏi. Ngoài ra, có 102 trường hợp đang cách li để theo dõi dấu hiệu; 39.929 trường hợp đang được cách li theo dõi sức khỏe vì tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.

Số ca nhiễm ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

1 phụ nữ, 26 tuổi, tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày  2/3/2020 (Bệnh nhân 17-BN17).

1 nam giới, 27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020 (BN18).

2 người tiếp xúc gần với bệnh nhân 17 đã xác định nhiễm Covid-19 ngày 6/3 (BN19, BN20).

1 nam giới, 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với bệnh nhân 17 (BN21).

10 người là hành khách nước ngoài bay trên chuyến bay với bệnh nhân 17 từ Anh về Việt Nam (từ BN22 đến BN31).

1 phụ nữ 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có tiếp xúc với bệnh nhân 17 ngày 27/2 tại Anh, đã trở về Việt Nam ngày 9/3/2020 (BN32).

1 bệnh nhân nam, 58 tuổi, quốc tịch Anh, cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam (BN33).

1 phụ nữ 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, bay từ Washington (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay Qatar và sáng ngày 02/3/2020 nhập cảnh vào Việt Nam (BN34).

1 bệnh nhân nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ngày 04/3/2020 có tiếp xúc trực tiếp với hai người Anh tại siêu thị Điện máy Xanh sau này xác định là BN22 và BN23. (BN35).

3 người ở Bình Thuận có tiếp xúc gần với BN34 đã được xác định mắc Covid-19 ngày 10/3/2020 (BN36, BN37, BN38).

1 nam giới 25 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch cư trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có tiếp xúc với BN24 khi dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại tỉnh Ninh Bình (BN39).

3 người gồm bé gái 2 tuổi, nam giới 59 tuổi và nam giới 28 tuổi quê ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN34 (BN40, BN41, BN42).

1 nữ giới 47 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, Bình Thuận tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN38 (con dâu của BN34) (BN43).

1 nam thiếu niên 13 tuổi, quê quán huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với bệnh nhân số BN37 (nhân viên của BN34) (BN44).

1 nam giới trú quán tại quận Bình Tân, TP HCM có tiếp xúc gần với BN34 ngày 3/3/2020 (BN45).

1 phụ nữ 30 tuổi tại Hà Nội, là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ London (Anh) về Hà Nội ngày 9/3/2020 (BN46).

1 phụ nữ 43 tuổi, là giúp việc trong tòa nhà của BN17, có tiếp xúc gần với BN17 (BN47).

1 nam giới 31 tuổi, trú quán tại Quận 10, TP HCM, ngồi chung xe ô tô với BN45 và cùng đi tiếp xúc với BN34 (BN48).

1 nam giới 71 tuổi, quốc tịch Anh, đi trên chuyến bay VN0054 từ London tới Hà Nội ngày 2/3/2020, là chồng của BN30 (BN49).

1 nam giới, 50 tuổi tại Hà Nội từ Paris về Việt Nam ngày 9/3/2020 (BN50).

1 phụ nữ 22 tuổi tại Hà Nội, là du học sinh ở Châu Âu đi qua nhiều nước, về Nội Bài trên chuyến bay QR968 ngày 11/3/2020 (BN51).

1 phụ nữ 24 tuổi tại Hạ Long (Quảng Ninh), là hành khách trên chuyến bay từ London (Anh) về Việt Nam ngày 9/3/2020 (BN52).

1 nam giới 53 tuổi, quốc tịch Cộng hoà Czech, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 10/3 từ chuyến bay QR970 có quá cảnh tại sân bay Doha (Qatar). (BN53)

1 nam giới, sinh năm 1987, quốc tịch Latvia, từ Tây Ban Nha nhập cảnh TP HCM ngày 8/3/2020 cùng vợ trên chuyến bay TK162 (BN54).

1 nam giới 35 tuổi, quốc tịch Đức, là hành khách trên chuyến bay VN0018 từ Pháp về Nội Bài sáng ngày 14/3/2020 (BN55).

1 nam giới 30 tuổi, quốc tịch Anh, là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Nội Bài sáng 09/03/2020 (BN56).

Bệnh nhân thứ 57 (BN57) 66 tuổi, nam, quốc tịch Anh, xuất phát từ London, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 09/3 tại Nội Bài (cùng chuyến bay VN0054 với BN46 - tiếp viên Vietnam Airlines). BN57 hiện được điều trị cách li tại Quảng Nam.

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (8); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (11); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9).

Trên thế giới: Số ca nhiễm vẫn tăng mạnh ở Iran và một số nước Châu Âu

Theo hãng tin AFP, ghi nhận đến sáng nay, Trung Quốc đại lục (ngoại trừ Hong Kong và Ma Cao) có tổng cộng 80.844 trường hợp nhiễm COVID-19 với 3.199 người tử vong và 66.911 người đã hồi phục. Trung Quốc cũng đang áp đặt các qui định của riêng mình đối với khách du lịch quốc tế.

Trong khi tình hình dịch bệnh đã hạ nhiệt tại Trung Quốc thì tại nhiều quốc gia trên thế giới, số ca nhiễm vẫn tăng theo cấp số nhân. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác hôm qua (15/3) đã công bố một loạt các biện pháp táo bạo nhằm củng cố niềm tin do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khi số người chết trên khắp thế giới đã vượt qua 6.000.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, các ngân hàng trung ương chính trên thế giới sẽ đổ tiền vào nền kinh tế để giúp chống lại các cú sốc tài chính do vụ dịch gây ra. Chẳng hạn như Ngân hàng Canada, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, ECB và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.

Tin tức này được đưa ra khi Italy ghi nhận số người chết hàng ngày lớn nhất trong vòng 24h qua, tăng thêm 368 ca lên 1.809 và số ca nhiễm cũng tăng mạnh thêm 3.590 ca lên 24.747. Italy hiện vẫn là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục và lớn nhất tại châu Âu. Quốc gia này vẫn đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19

Trong khi đó, tại một số điểm nóng dịch COVID-19 của Châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha, hàng loạt quán cà phê, cửa hàng và nhà hàng phải đóng cửa.

Các số liệu hiện nay cho thấy, Tây Ban Nha vẫn là quốc có dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu (sau Italy), với 7.845 ca nhiễm và 292 ca tử vong. Quốc gia này cũng đã ban hành lệnh cấm người dân rời khỏi nhà, ngoại trừ đi làm.

Đến sáng nay, Đức ghi nhận thêm 1.214 trường hợp, nâng số người nhiễm COVID-19 lên 5.813, trong đó có 11 người đã tử vong.

Trong khi đó, Pháp ghi nhận gần 5.423 ca nhiễm và 127 ca tử vong (thêm 36 ca trong vòng 24h qua).

Mỹ ghi nhận thêm 725 ca nhiễm COVID-19 và 11 ca tử vong trong vòng 24 qua, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong lên lần lượt là 3.668 và 68 ca. Trước đó, quốc gia Châu Mỹ này đã áp đặt lệnh cấm du lịch đối với các quốc gia trong khu vực di chuyển tự do Schengen của châu Âu.

Tại Trung Đông, Iran là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất và cũng là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Italy. Ghi nhận đến sáng nay, nước này có thêm 1.209 ca nhiễm COVID-19 và 113 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 13.938 và 724. 

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch, các quan chức nước này đã kêu gọi mọi người tránh các cuộc tụ họp nơi công cộng.

Hà Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.