|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/3: Châu Âu tiếp tục là tâm dịch; Việt Nam có 61 ca nhiễm, gần 30.000 người đang cách li

07:48 | 17/03/2020
Chia sẻ
Tính đến sáng nay, Việt Nam có tổng cộng 61 trường hợp dương tính với COVID-19,102 trường hợp đang cách li để theo dõi dấu hiệu; 29.929 trường hợp đang được cách li theo dõi sức khỏe vì tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.

Tính đến 7h sáng nay (17/3), toàn thế giới đã ghi nhận 182.043 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và 7.144 người tử vong, trong đó có 78.342 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đang gia tăng chóng mặt.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/3: Châu Âu vẫn tiếp tục là tâm dịch; Việt Nam có 61 ca nhiễm, gần 30.000 đang cách li - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã khiến hơn 7.000 người tử vong trên toàn thế giới. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 đã lên 61

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến tối qua (16/3), Việt Nam ghi nhận tổng cộng 61 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó 16 người đã được chữa khỏi. Ngoài ra, có 102 trường hợp đang cách li để theo dõi dấu hiệu; 29.929 trường hợp đang được cách li theo dõi sức khỏe vì tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.

Số ca nhiễm ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 17/3: Châu Âu vẫn tiếp tục là tâm dịch; Việt Nam có 61 ca nhiễm, gần 30.000 đang cách li - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Y tế

Ngoài ra, một trường hợp mới nhất được xác nhận nhiễm COVID-19 là một bệnh nhân nam, 42 tuổi tại Nình Thuận, đi Malaysia ngày 27/2 và trở về Tân Sơn Nhất ngày 4/3 (BN61).

Các tỉnh có người mắc COVID-19: Vĩnh Phúc (11); TP HCM (8); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (14); Ninh Bình (1); Quảng Ninh (5); Lào Cai (2); Đà Nẵng (3); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1).

Trên thế giới: Hơn 7.000 người tử vong

Trung Quốc đại lục – nơi dịch bệnh bùng phát, tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 80.880 ca mắc COVID-19 và 3.213 ca tử vong, theo Worldometer.

Trong khi tình hình dịch bệnh đã hạ nhiệt tại Trung Quốc thì tại tâm dịch Châu Âu, mỗi ngày vẫn ghi nhận thêm hàng nghìn ca mắc mới và hàng trăm ca tử vong do.

Cụ thể, tại Italy, trong ngày 16/3, quốc gia này ghi nhận thêm 3.233 ca nhiễm mới (giảm nhẹ so với hôm qua) và 349 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 27.980 và 2.158 người. Italy hiện vẫn là ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục và lớn nhất tại châu Âu.

Tây Ban Nha – quốc gia có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu (sau Italy) ghi nhận thêm 1.954 ca nhiễm mới và 48 ca tử vong trong ngày 16/3. Tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện tại là 9.942, trong đó có 342 ca tử vong.

Trong khi đó, tại Pháp và Đức, tình hình dịch bệnh cũng chưa có chiều hướng suy giảm. Trong vòng 24h qua, Đức ghi nhận thêm 1.459 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong. Con số lần lượt tại Pháp là 1.210 và 21 ca. Số ca tử vong do dịch COVDID-19 tại Pháp đang tăng nhanh hơn Đức rất nhiều.

Đức hiện có tổng cộng 7.212 ca nhiễm và 17 ca tử vong; trong khi Pháp ghi nhận tổng cộng 6.633 ca nhiễm và 148 ca tử vong.

Theo hãng tin AFP, với sự lây lan nhanh chóng ở châu Âu, Pháp đã cùng với Ý và Tây Ban Nha áp đặt các hạn chế hiếm thấy ngoài thời chiến như phong tỏa đất nước, đóng cửa biên giới, cấm các hoạt động công cộng,…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, biên giới bên ngoài của khối Liên minh châu Âu sẽ đóng cửa trong 30 ngày kể từ hôm nay (17/3), vì số người chết trên toàn thế giới đã vượt qua 7.000.

Tại Châu Mỹ, tính đến sáng nay, Mỹ ghi nhận thêm 977 ca nhiễm COVID-19 và 18 ca tử vong trong vòng 24 qua, nâng tổng số ca nhiễm và số ca tử vong lên lần lượt là 4.657 và 86 ca.

Tổng thống Donal Trump lần đầu tiên đã thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang đi vào suy thoái vì đại dịch đã giết chết hơn 7.000 người trên toàn thế giới khi chứng khoán Phố Wall có ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987, giảm gần 13%.

Tại Trung Đông, Iran là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất và cũng là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Italy. Trong vòng 24h qua, quốc gia này có thêm 1.053 ca nhiễm COVID-19 và 129 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 14.991và 853. Iran cũng đã đóng cửa 4 địa điểm hành hương Shiite quan trọng để nhằm sự lây lan của dịch bệnh.

"Đại dịch COVID-19 là một thảm kịch của con người và là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới", AFP dẫn một tuyên bố chung từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ.

Hà Lê