|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 15/7: Pháp sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong các không gian công cộng kín

07:22 | 15/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới đã vượt mốc 13 triệu ca nhiễm COVID-19. Pháp sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong các không gian công cộng kín. Trong khi đó, Việt Nam đã 90 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam: Tròn 3 tháng không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 16/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 90 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 15/7, Việt Nam hiện ghi nhận 373 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 233 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 12.337.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 15/7: California tái đóng cửa - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 352/373 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm  94,4% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

California tái đóng cửa, Nhật truy vết ổ dịch mới

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 15/7, toàn thế giới có tổng cộng 13.445.299 ca mắc COVID-19, trong đó có 580.230 người tử vong và 7.831.200 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo AP, WHO cho rằng nhiều lãnh đạo chính phủ các nước đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19 và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan. 

"Virus vẫn là kẻ thù chung số một, nhưng hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này", ông Tedros nói thêm rằng phản ứng của chính phủ và các cá nhân nên phụ thuộc vào các tình hình thực tế ở địa phương, cụ thể là nguy cơ lây lan của nCoV.

Tổng giám đốc WHO cũng chỉ trích một số lãnh đạo chính phủ làm mất lòng tin của công chúng khi đưa ra các "thông điệp lộn xộn" về COVID-19.

Ông nói thêm rằng các chính phủ nên đưa ra những thông điệp y tế công cộng rõ ràng hơn và các cá nhân nên duy trì cách biệt cộng đồng, đeo khẩu trang, rửa tay và ở nhà khi họ có các triệu chứng của COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa ba triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.541.793 (chiếm 26,37% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 62.310 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 877 ca, nâng tổng số lên 139.124.

Mỹ đang trải qua những ngày ghi nhận số ca tử vong và số ca nhiễm mới cao.

Theo NY Post, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo Mỹ vẫn đang trong làn sóng COVID-19 đầu tiên và phải hành động ngay để ngăn ca nhiễm mới tăng. Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 9.194 ca ở Florida, 9.757 ca ở Texas và 8.604 ca ở California.

Số ca nhiễm nCoV đang tăng mạnh ở khoảng 40 bang của Mỹ, buộc chính quyền nhiều bang rút lại kế hoạch nới lỏng hạn chế và tái áp đặt những biện pháp phòng dịch. Trong đó, theo LA Times, bang California đã tái đóng cửa phần lớn các cơ sở kinh doanh từ hôm 13/7 sau một tháng mở lại.

Theo Reuters, hơn 930 nhân viên các công ty tư nhân đang điều hành trại giam người nhập cư trái phép ở Mỹ  cho xét nghiệm dương tính với nCoV.

Theo New York Times, nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Theo AFP,  thủy quân lục chiến Mỹ phong tỏa hoàn toàn căn cứ Hansen và Futenma trên đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản sau khi ghi nhận gần 100 binh sĩ nhiễm nCoV. Giới chức đảo Okinawa cũng đã đề nghị lực lượng Mỹ ngừng hoạt động điều chuyển quân luân phiên và tăng cường biện pháp phòng chống dịch.

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 38,865 ca nhiễm mới và 1,212 ca tử vong do COVID-19 (tăng gấp đôi so với ngày trước đó), nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 1.926.824 và 74.133. Tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn đang diễn biến phức tạp khi biểu đồ số ca nhiễm mới, và số ca tử vong mỗi ngày đều có xu hướng tăng. 

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 937.487 ca nhiễm và 24.315 ca tử vong, tăng lần lượt 29.842 và 588. Các thành phố lớn của Ấn Độ là những nơi bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Hindustan Times, mới đây, những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội ở Ấn Độ về cách xử lí thi thể người chết do COVID-19 như chở thi thể bằng xe tuktuk (do người thân bệnh nhân yêu cầu và thiếu xe cứu thương), hay video nhân viên mang đồ bảo hộ cùng nhau bê các thi thể được bọc trong túi nilon và thả xuống một hố chôn tập thể, đã gây phẫn nộ cho dư luận. Tuy nhiên, giới chức đã điều tra xử lí và gửi lời xin lỗi tới gia đình các bệnh nhân.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 6.248 ca mắc và 175 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 739.947 trường hợp, trong đó 11.614 trường hợp tử vong.

Đây là ngày thứ 19 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh với tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đã vượt 300.000 người, cụ thể là 333.867 ca, cao thứ 5 trên thế giới, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 12.229.

Đây là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên phong tỏa từ giữa tháng 3 nhưng đã cho phép nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 5.

Pháp sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong các không gian công cộng kín.

Theo Reuters, chính quyền Pháp sẽ bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong các cửa hàng và không gian công cộng kín để kiềm chế đại dịch nCoV lây lan.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 15/7: California tái đóng cửa - Ảnh 2.

Tổng thống Emmanuel Macron đeo khẩu trang dự lễ kỉ niệm quốc khánh hôm 14/7 ở thủ đô Paris. (Ảnh: AFP).

"Chúng ta có những dấu hiệu cho thấy nCoV đang quay trở lại. Chúng ta phải lường trước tình hình và chuẩn bị để đối phó với nó", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc phỏng vấn với các đài truyền hình hôm qua 14/7.

Ông nói thêm rằng dù tình hình COVID-19 có xu hướng thuyên giảm, số ca nhiễm đã tăng trở lại ở một số nơi khi nước này tái mở cửa bãi biển, quán bar và nhà hàng sau hai tháng phong tỏa.

Pháp trước đó đã yêu cầu người dân dùng khẩu trang hoặc che mặt khi tham gia giao thông công cộng hoặc đến các không gian công cộng không thể duy trì giãn cách, nhưng không bắt buộc đeo khẩu trang khi vào cửa hàng.

Quân đội Pháp hôm qua đã tổ chức duyệt binh nhân ngày quốc khánh 14/7 với chỉ khoảng 2.000 binh sĩ tham gia, chỉ bằng một nửa so với thường lệ, do COVID-19. Dân chúng bị cấm tụ tập gần quảng trường Concorde xem duyệt binh nhằm tránh lây lan dịch bệnh. 

Tổng số ca nhiễm nCoV ở Pháp là 172.377 trường hợp, trong đó có 30.029 người tử vong. Nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua.

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm ba ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83,605 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.674 bệnh nhân được chữa khỏi. Như vậy, theo thống kê, số ca nhiễm mới của nước này đang có xu hướng giảm mạnh.

Đáng chú ý, theo NZ Herald, một phụ nữ ở tỉnh Hắc Long Giang trở thành nguồn lây nCoV cho 71 người vì đi thang máy, dù đã tuân thủ mọi biện pháp đề phòng.

Giới chức Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch mới, thông báo thủ đô đã kiềm chế được ổ dịch mới và dỡ hầu hết hạn chế đi lại từ 4/7.

Giới chức y tế Hong Kong cảnh báo thành phố đang đối diện làn sóng COVID-19 lần ba nghiêm trọng nhất, khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng.

57 thủy thủ Argentina nhiễm nCoV một cách kì lạ sau 35 ngày trên biển, dù âm tính trước khi rời cảng.

Theo AFP, cơ quan y tế tỉnh Tierra del Fuego, phía đông Argentina, cho biết hôm 13/7.

57 trong số 61 thuyền viên của tàu đánh cá Echizen Maru được xác định nhiễm nCoV sau khi xét nghiệm. Tuy nhiên, toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn của tàu Echizen Maru đã hoàn thành 14 ngày cách li tại một khách sạn ở thành phố Ushuaia và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tàu rời cảng 35 ngày trước. Được biết, chiếc tàu cũng không cập bến và các vật tư trên tàu đều được chuyển từ cảng Ushuaia.

Leandro Ballatore, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện vùng Ushuaia, nói ông tin rằng đây là một trường hợp khác tất cả những gì đã được công bố, vì thời gian ủ bệnh dài như trên chưa được mô tả ở bất kì đâu.

Nhóm thuyền viên đã được cách li trên tàu và quay lại cảng Ushuaia.

Anh phạt tiền người dân không đeo khẩu trang 

Theo AP, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson ngày 13/7 tuyên bố bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi mua sắm tại các cửa hàng, bắt đầu từ ngày 24/7 tới. 

Theo qui định mới, những cá nhân không tuân thủ có thể bị phạt tới 100 bảng (125 USD), căn cứ luật y tế công cộng của Anh.

Nhật truy vết ổ dịch mới liên quan tới nhà hát Tokyo 

Theo Reuters, chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi hơn 800 khán giả xét nghiệm COVID-19, sau khi ghi nhận ít nhất 20 ca nhiễm liên quan tới buổi biểu diễn của một ban nhạc. Buổi biểu diễn điễn ra ở nhà hát Moliere 190 ghế ngồi ở quận Shinjuku, trung tâm giải trí của thành phố, nơi nhiều ca nhiễm liên quan tới các quán rượu cũng được phát hiện.

Nhật Bản đang đẩy mạnh tái mở cửa từng phần, dự kiến mở lại đường băng của một trong những sân bay lớn nhất quốc gia dù các thành phố lớn, khu vực nông thôn và căn cứ quân sự Mỹ vẫn ghi nhận ca nhiễm mới.

Tokyo báo cáo 119 ca nhiễm mới hôm 13/7, sau khi ghi nhận 4 ngày liên tục phát hiện thêm 200 ca nhiễm. Cả nước ghi nhận 23.000 ca nhiễm và gần 1.000 ca tử vong.

Như Ý

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.