|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/1: Nga, Đức kết hợp sản xuất vắc xin

08:26 | 06/01/2021
Chia sẻ
Làn sóng dịch COVID-19 thứ ba tại Hàn Quốc chậm lại. Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc. Philippines tiêm vắc xin nhập lậu.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (5/1) có thêm 7 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.504 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 19.286.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.339/1.504 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 6 ca, số ca âm tính lần ba là 5 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 86,77 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,87 triệu người tử vong và 61,49 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Dịch bệnh tại các quốc gia châu Âu như Anh, Đức, Italy,... vẫn đang diễn biến phức tạp khiến giới chức các nước phải tăng cường và gia hạn các hạn chế phòng dịch.

WHO cho biết khuyến nghị chính thức về việc tiêm liều vắc xin thứ hai của Pfizer là 3-4 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất, song WHO cho phép các nước có hạn chế về nguồn cung đối với vắc xin này có thể trì hoãn việc tiêm mũi thứ hai tới 6 tuần để tối đa hóa số người được tiêm mũi đầu tiên, theo Politico.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 21,55 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 201.448 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.072 ca, nâng tổng số lên 365.195. Tổng số người phục hồi là hơn 12,84 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Mỹ đều cao vượt tầm kiểm soát.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,37 triệu ca nhiễm và 150.151 ca tử vong, tăng lần lượt 17.908 và 265 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 9,99 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 57.447 và 1.186 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 7,81 triệu và 197.777 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 6,96 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil dao động thất thường nhưng có xu hướng tăng mạnh trở lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 24.246 ca mắc và 518 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,28 triệu trường hợp, trong đó 59.506 trường hợp tử vong, và hơn 2,66 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga giảm nhẹ trong vài ngày qua.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/1: Biến chủng nCoV mới lây lan nhanh, Anh tái phong toả toàn quốc - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

The Moscow Times đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận qua điện thoại về tiềm năng sản xuất chung một loại vắc xin COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thông báo những người dân Nga đã tiêm vắc xin sẽ được cấp hộ chiếu miễn dịch. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nội địa (14 trường hợp ở tỉnh Hà Bắc, 2 trường hợp ở Liêu Ninh, 1 trường hợp ở thành phố Bắc Kinh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.183 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 82.117 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung Quốc gần đây liên tục ghi nhận các ca nhiễm lẻ tẻ trong cộng đồng khiến nhiều quận huyện phải phong toả và xét nghiệm COVID-19 hàng loạt. Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp chống dịch đối với dịch vụ giao thông công cộng.

Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 4,5 triệu liều vắc xin COVID-19 của Trung Quốc đã được sử dụng và chưa có tác dụng phụ nào nghiêm trọng được báo cáo.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 715 ca mắc mới, với 672 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 64.979 ca, trong đó có 1.007 trường hợp tử vong, và 46.172 người đã hồi phục (70%).

Làn sóng đại dịch COVID-19 thứ ba ở Hàn Quốc dường như đang chậm lại các hạn chế cứng rắn được áp dụng trước kỳ nghỉ lễ, nhưng mối lo ngại về các ca lây nhiễm theo cụm tại một số cơ sở và sự xuất hiện của biến thể virus dễ lây truyền hơn vẫn tiếp tục, theo Yonhap.

Nước này hôm qua đã báo cáo thêm hai trường hợp nhiễm biến thể nCoV được phát hiện ở Anh, nâng tổng số lên 12 trường hợp, bao gồm một trường hợp từ Nam Phi.

Hàn Quốc, quốc gia 52 triệu dân, đã đảm bảo đủ vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho 56 triệu người.

Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc cho tới cuối tháng hai, thay vì kết thúc vào ngày 15/1 theo dự kiến, do những diễn biến khó lường của đại dịch, theo CNN.

Nước này đã bắt đầu sản xuất vắc xin Oxford/AstraZeneca nội địa theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ và dự kiến phân phối vào cuối năm nay. Thái Lan đã mua gần 28 triệu liều vắc xin, đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất một nửa trong tổng số 70 triệu dân.

Reuters đưa tin, nhiều nhân viên trong nhóm an ninh bảo vệ cho tổng thống Philippines (PSG) đã tự tiêm vắc xin COVD-19 mặc dù nước này chưa phê duyệt một loại vắc xin nào. Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng đây là một hành động dũng cảm.

Các ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang giảm dần từ tháng 9/2020, nhưng con số vẫn đang ở mức khá cao.

Cộng hòa Palau, quốc đảo 18.000 dân, có thể trở thành một trong số đất nước đầu tiên trên thế giới hoàn thành chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19, dù chưa từng ghi nhận ca nhiễm.

Nước này đã nhận lô vắc xin 2,800 liều đầu tiên của Moderna (Mỹ) hôm 2/1, và tiến hành tiêm chủng từ 3/1 với các nhân viên y tế tuyến đầu, quan chức chủ chốt và nhóm cư dân có nguy cơ cao là những đối tượng ưu tiên.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.