|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 7/1: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp

07:58 | 07/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 7/1 có những tin đáng chú ý như EU cấp phép vắc xin COVID-19 thứ hai, hàng nghìn người Mỹ tử vong mỗi ngày vì đại dịch, nhiều ca bệnh Trung Quốc cho kết quả dương tính sau 21 ngày cách ly.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (6/1) có thêm một ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.505 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 19.392.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.353/1.505 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 14 ca; số ca âm tính lần hai là 6 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 87,57 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,88 triệu người tử vong và 63 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

CNN đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép lưu hành cho vắc xin COVID-19 của Moderna, mở đường cho việc triển khai vào tuần tới. Đây là vắc xin COVID-19 thứ hai được sử dụng tại EU.

EU đã mua tới 160 triệu liều vắc xin Moderna, đủ để tiêm chủng cho 80 triệu người trong tổng số 448 triệu công dân của mình. Theo hợp đồng đó, công ty Moderna của Mỹ sẽ cung cấp tất cả các liều của họ từ nay đến tháng 9. Lô vắc xin đầu tiên dự kiến được vận chuyển từ tuần tới. Hiện, châu Âu đã có tới 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 tiềm năng.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 21,81 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 223.641 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.396 ca, nâng tổng số lên 369.255. Tổng số người phục hồi là hơn 12,99 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca nhiễm mới, tử vong và nhập viện hàng ngày tại Mỹ đều cao vượt tầm kiểm soát.

Hôm 5/1, nước này báo cáo 3.900 người chết và 131.000 bệnh nhân nhập viện do COVID-19, đây đều là những con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Mỹ.

Miền nam và miền tây nước Mỹ là những khu vực đang có diễn biến dịch bệnh đặc biệt nghiêm trọng. Los Angeles thậm chí dừng vận chuyển những bệnh nhân có cơ hội sinh tồn thấp đến bệnh viện và hạn chế dùng oxy trong bối cảnh nguồn lực y tế quá tải, theo AFP.

Kể từ cuối tháng 11, số người chết vì COVID-19 ở nước này tăng mạnh, dao động từ 2.000 - 3.000 ca/ngày.  

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,39 triệu ca nhiễm và 150.372 ca tử vong, tăng lần lượt 20.460 và 221 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,01 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 62.532 và 1.266 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 7,87 triệu và 199.043 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,03 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil dao động thất thường nhưng có xu hướng tăng mạnh trở lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 24.217 ca mắc và 445 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,3 triệu trường hợp, trong đó 59.951 trường hợp tử vong, và hơn 2,68 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga giảm nhẹ trong vài ngày qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới, trong đó có 23 ca nội địa (20 ở tỉnh Hà Bắc, một ở thành phố Bắc Kinh, một ở tỉnh Liêu Ninh, một ở tỉnh Hắc Long Giang), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.215 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 82.138 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Tỉnh Hà Bắc đã kích hoạt chế độ báo động sau khi ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 6 tháng không có ca nhiễm mới nào. Tỉnh này đã phát hiện 19 ca nhiễm và 40 ca không có triệu chứng từ ngày 2/1 đến 4/1.

Bắc Kinh sẽ kéo dài thời gian cách ly từ 14 ngày lên 21 ngày đối với những người từ nước ngoài đến khi thủ đô đang phải đối mặt với một số trường hợp phức tạp trong việc kiểm soát dịch bệnh vì một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau 14 ngày cách ly.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 839 ca mắc mới, với 809 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 65.818 ca, trong đó có 1.027 trường hợp tử vong, và 46.995 người đã hồi phục (70%).

Làn sóng đại dịch COVID-19 thứ ba ở Hàn Quốc dường như đang chậm lại sau khi các hạn chế cứng rắn được áp dụng trước kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên các viện dưỡng lão và nhà thờ tiếp tục là những điểm nóng bùng phát virus, theo Yonhap.

Chính phủ đã quyết định gia hạn việc đình chỉ các chuyến bay thẳng từ Anh thêm hai tuần nữa tới 21/1 để ngăn chặn biến thể nCoV mới.

Chính phủ Nhật Bản hôm nay đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô Tokyo, các tỉnh Kanagawa, Chiba và Saitama trong một tháng khi đất nước đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh ngày càng trầm trọng, theo Japan Times.

Theo đó, người dân ở những khu vực trên được yêu cầu tránh rời khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là sau 20h, các doanh nghiệp bao gồm nhà hàng, cơ sở giải trí và cửa hàng bách hóa phải ngừng phục vụ rượu trước 19h, và đóng cửa lúc 20h.

Các trường học sẽ vẫn mở cửa. Các công ty sẽ được khuyến khích để nhân viên làm việc tại nhà hoặc làm việc theo ca, với mục tiêu giảm 70% số người trong văn phòng.

Ngày 6/1, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 5.000 ca/ngày, trong đó riêng thủ đô Tokyo là 1.591 ca, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước này.

Malaysia liên tiếp ghi nhận số ca bệnh mới/ngày ở mức 4 con số trong 27 ngày, và đạt mức tăng cao kỷ lục trong 24 giờ qua với 2.593 ca, khiến hệ thống y tế có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải.

Như Ý

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.