|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/12: Nhiều nước đẩy mạnh tiêm chủng, Việt Nam tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin

08:05 | 06/12/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 6/12, thế giới đã vượt 66 triệu ca nhiễm. Nhiều nước tăng cường các hạn chế phòng dịch. Việt Nam không có thêm ca mắc trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (5/12) có thêm 4 ca mắc đều là người nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.365 trường hợp.  

Ba đơn vị sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện qui trình sản xuất qui mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Trong đó, NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. 

Theo đó, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam từ ngày 10/12.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 16.681.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.220/1.361 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 66,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,53 triệu người tử vong và 46,2 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%). 

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 14,97 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 200.011 ca trong 24 giờ qua, cao gấp gần 3 lần con số ghi nhận lúc đỉnh dịch vào mùa hè. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.210 ca, nâng tổng số lên 287.783. Tổng số người phục hồi là hơn 8,77 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59%). 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ hôm 4/12 lần đầu khuyến nghị người dân đeo khẩu trang trong các không gian kín, trừ nhà riêng của mỗi người trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới, tử vong và nhập viện trên toàn quốc gia này đang tăng cao vượt tầm kiểm soát khiến hệ thống y tế bị quá tải.

Số trường hợp tử vong trung bình tháng do đại dịch được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12 và tháng 1/2021, sau đó sẽ giảm xuống. Trước tình hình này, các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, theo Politico.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,64 triệu ca nhiễm và 140.216 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 36.111 và 480 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 9,09 triệu người đã khỏi bệnh, đây hiện là tỉ lệ cao nhất thế giới.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 và tử vong trong thời gian gần đây ở Ấn Độ có giảm nhẹ nhưng vẫn đang ở mức cao.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 42.226 và 660 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,57 triệu và 176.641 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,76 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 88%. 

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil tăng mạnh trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Eduardo Pazuello cho biết lô vắc xin đầu tiên của AstraZeneca sẽ đến Brazil từ tháng một đến hai năm sau với khoảng 15 triệu liều, và 100 triệu liều sẽ đến tay khách hàng vào nửa đầu năm 2021. Tiếp đó, nước này sẽ có thể sản xuất thêm 160 triệu liều sau khi chuyển giao công nghệ, theo Reuters.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 28.782 ca mắc và 508 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,43 triệu trường hợp, trong đó 42.684 trường hợp tử vong, và hơn 1,91 triệu người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần và lập con số cao kỉ lục trong 24 giờ qua.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/12: Việt Nam tuyển tình nguyện viên thử vắc xin COVID-19 từ 10/12 - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Giới chức Nga thông báo giá tối đa của vắc xin Sputnik V là 1.942 rúp (26 USD). Công dân Nga sẽ có thể tiêm vắc xin này miễn phí. Việc tiêm chủng hàng loạt đã bắt đầu ở Moscow. Người dân thuộc các nhóm có nguy cơ có thể nhận vắc xin tại 70 phòng khám nhà nước trên khắp thủ đô nước này, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.601 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.694 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Nước này tuyên bố sẽ có khoảng 600 triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng được đưa ra thị trường trong năm nay, các vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn cuối, theo South China Morning Post.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 583 ca mắc mới, với 559 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 36.915 ca, trong đó có 536 trường hợp tử vong và 28.917 người đã hồi phục (88,6%). 

Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đang tăng cao. Các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện trên khắp đất nước, từ những nhà hàng, bệnh viện đến trường học.

Seoul sẽ giảm 30% dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm sau 21h. Ngoài ra, các cửa hàng, rạp chiếu phim và nhiều cơ sở khác sẽ phải đóng cửa sau 21h trừ những cửa hàng nhỏ và bán đồ ăn mang về. 

Các hạn chế này được áp dụng trong hai tuần từ 5/12 trong bối cảnh thủ đô, nơi sinh sống của một nửa dân số cả nước, đã chứng kiến số ca mắc mới hàng ngày tăng lên mức cao kỉ lục trong vài ngày qua, theo Yonhap.

Các cơ quan y tế tin rằng tuần này sẽ là thời điểm quan trọng cho cuộc chiến chống dịch bệnh của quốc gia. Nếu số ca nhiễm mới không chững lại, nước này có thể phải nâng cao hơn nữa mức độ của các biện pháp giãn cách xã hội.

Hàn Quốc có thể báo cáo từ 700 - 1.000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày trong một hoặc hai tuần tới trừ khi tốc độ lây nhiễm hiện tại được kiềm chế.

Tại Malaysia, hầu hết các bang sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại từ ngày 7/12. Tuy nhiên, lệnh kiểm soát đi lại có điều kiện (CMCO) sẽ được gia hạn tới ngày 20/12 tại thủ đô Kuala Lumpur, bang Sabah, 6/9 quận của bang Selangor và một số khu vực thuộc bang Johor.

Theo thống kê, khoảng 30.000 doanh nghiệp tại nước này đã phải đóng cửa kể từ khi áp đặt các lệnh kiểm soát đi lại vào tháng 3/2020, theo Straits Times.

Nước này vẫn đang trải qua đợt dịch thứ hai với số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vẫn đang ở mức cao.

Campuchia hôm qua đã công bố qui định mới về các biện pháp phòng dịch và cách li áp dụng với tất cả các du khách nhập cảnh Campuchia, có hiệu lực từ ngày 12/12.

Theo đó, tất cả các du khách nhập cảnh nước này buộc phải cách li 14 ngày và phải xét nghiệm COVID-19 ngay khi đến. Các du khách phải có giấy chứng nhận sức khỏe và công nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Qui định mới tạm dừng áp dụng cơ chế bảo trợ cho các đối tượng là nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân viên công ty, chuyên gia và nhân viên kĩ thuật nhập cảnh Campuchia dưới 14 ngày. Lệnh này có hiệu lực cho tới khi tình hình dịch tại Campuchia bớt nghiêm trọng.

Thủ tướng Hun Sen đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phưc tạp khi các ca nhiễm chưa xác định được nguồn và thời gian lây nhiễm, theo TTXVN.

Như Ý