|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/12: Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm, số ca mới tại Mỹ, Hàn Quốc cao đột biến

07:45 | 05/12/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 5/12, thế giới đã vượt 66 triệu ca nhiễm. Việt Nam không có thêm ca mắc trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (4/12) không có thêm ca mắc. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.361 trường hợp. 

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 17.238.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.220/1.361 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 66,18 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,52 triệu người tử vong và 45,77 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%). 

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 14,75 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 213.400 ca trong 24 giờ qua, cao gấp gần 3 lần con số ghi nhận lúc đỉnh dịch vào mùa hè. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.553 ca, nâng tổng số lên 285.387. Tổng số người phục hồi là hơn 8,64 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59%). 

Số ca mắc COVID-19 mới, tử vong và nhập viện trên toàn nước Mỹ đang tăng cao vượt tầm kiểm soát khiến hệ thống y tế bị quá tải sau một tuần kỉ niệm Lễ Tạ ơn, khi hàng triệu người Mỹ đi du lịch và tham gia các cuộc tụ tập. 

Các chuyên gia y tế dự đoán có thể có tới 3.000 người chết/ngày trong vòng hai tháng tới. Trước bối cảnh này, các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, theo Reuters.

Tổng thống đắc cử Joe Biden kêu gọi người dân Mỹ không đi du lịch trong dịp Giáng sinh và cảnh báo từ nay tới tháng 1/2021, nước này có thể có thêm 250.000 người chết vì COVID-19.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,6 triệu ca nhiễm và 139.714 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 35.852 và 487 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 9,05 triệu người đã khỏi bệnh, đây hiện là tỉ lệ cao nhất thế giới.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 và tử vong trong thời gian gần đây ở Ấn Độ có giảm nhẹ nhưng vẫn đang ở mức cao.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 47.435 và 674 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,53 triệu và 175.981 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,74 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 88%. 

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil tăng mạnh trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Eduardo Pazuello cho biết lô vắc xin đầu tiên của AstraZeneca sẽ đến Brazil từ tháng một đến hai năm sau với khoảng 15 triệu liều, và 100 triệu liều sẽ đến tay khách hàng vào nửa đầu năm 2021. Tiếp đó, nước này sẽ có thể sản xuất thêm 160 triệu liều sau khi chuyển giao công nghệ, theo Reuters.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 27.403 ca mắc và 569 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,4 triệu trường hợp, trong đó 42.176 trường hợp tử vong, và hơn 1,88 triệu người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.  

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/12: Thủ đô Nhât Bản ghi nhận ca nhiễm tháng cao kỉ lục - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Moskva News Agency).

Giới chức Nga thông báo sẽ tiêm vắc xin hàng loạt cho người dân từ cuối tuần sau với các bác sĩ và giáo viên là những đối tượng ưu tiên. Khoảng 2 triệu liều vắc xin Sputnik V đang được sản xuất và sẽ có trong những ngày tới. Trong khi đó Moscow sẽ bắt đầu tiêm vắc xin cho các nhóm có nguy cơ cao vào hôm nay.

Nước này cũng cho biết Kazakhstan sẽ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga từ ngày 22/12.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ukraine Maksym Stepanov khẳng định Ukraine sẽ không mua vắc xin của Nga do không có căn cứ xác định hiệu quả của loại thuốc đã được đăng kí dù chưa hoàn thành các cuộc thử nghiệm, theo The Moscow Times.

Tại Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày tại đây đang giảm liên tục trong gần một tháng nay.

Tổng thống Emmanuel Macron hôm 1/12 tuyên bố nước này đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho những đối tượng có nguy cơ cao vào đầu năm 2021, sau đó từ tháng 4-6 năm sau sẽ là giai đoạn tiêm chủng rộng rãi, theo AFP.

Theo một khảo sát mới đây, chỉ 41% người Pháp dự định tiêm vắc xin COVID-19, thấp hơn cả con số 58% tại Mỹ, nơi sự hoài nghi về đại dịch và phong trào chống vắc xin gia tăng. Với 1/3 người được hỏi nói rằng họ không tin các vắc xin là an toàn, Pháp hiện là nước e ngại việc tiêm phòng nhất.

Thụy Điển, quốc gia kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác thay vì phong tỏa như nhiều nước láng giềng châu Âu.

Nhiều học giả, chuyên gia y tế cho rằng cách chống dịch trên giống việc buông lỏng để đạt miễn dịch cộng đồng, dù giới chức nước này bác bỏ, theo Reuters.

Mới đây, nhà dịch tễ hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell cho biết người dân chưa cần đeo khẩu trang, dù nước này hiện đã ghi nhận tổng cộng 278.912 ca nhiễm với 7.067 ca tử vong do đại dịch, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, trong đó có 2 trường hợp nội địa ở khu tự trị Nội Mông và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.584 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.679 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Nước này tuyên bố sẽ có khoảng 600 triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng được đưa ra thị trường trong năm nay, các vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn cuối, theo South China Morning Post.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 629 ca mắc mới, với 600 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 36.332 ca, trong đó có 536 trường hợp tử vong và 28.611 người đã hồi phục (88,6%). 

Ca nhiễm mới đã tăng vượt mức 600 ca trong 24 giờ qua, cao nhất trong 9 tháng, báo động về một đợt đại dịch nghiêm trọng hơn sắp đến trong mùa đông. Điều đáng lo ngại hơn là khu vực Seoul, nơi sinh sống của một nửa dân số cả nước, đã chứng kiến số ca mắc mới hàng ngày tăng lên mức cao kỉ lục trong vài ngày qua dù đã áp dụng các biện pháp ngăn cách xã hội Cấp độ 2 từ 10 ngày trước, theo Yonhap.

Seoul sẽ giảm 30% dịch vụ xe buýt và tàu điện ngầm sau 21h. Ngoài ra, các cửa hàng, rạp chiếu phim và nhiều cơ sở khác sẽ phải đóng cửa sau 21h trừ những nhà hàng nhỏ và bán đồ ăn mang về.

Các cơ quan y tế tin rằng tuần này sẽ là thời điểm quan trọng cho cuộc chiến chống dịch bệnh của quốc gia. Nếu số ca nhiễm mới không chững lại, nước này có thể phải nâng cao hơn nữa mức độ của các biện pháp giãn cách xã hội.

Hàn Quốc có thể báo cáo từ 700 - 1.000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày trong một hoặc hai tuần tới trừ khi tốc độ lây nhiễm hiện tại được kiềm chế.

Như Ý

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.