Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 4/11: Vắc xin Việt Nam dự kiến thử nghiệm trên người trong tháng này
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (4/11) có 1 ca mắc mới COVID-19 là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 62 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.203 trường hợp.
Việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, vắc xin trong nước tiếp tục được đẩy mạnh. Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên khỉ từ ngày 27/10.
Vắc xin do Công ty Nanogen nghiên cứu dự kiến sẽ được thử nghiệm trên người trong tháng 11 này. Bộ Y tế và giới khoa học đang hi vọng có sản phẩm thương mại vắc xin COVID-19 của Việt Nam vào quí VI năm 2021, theo Tuổi Trẻ.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.260.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.069/1.203 bệnh nhân COVID-19.
Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 17 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 6 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 4/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 47,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,21 triệu người tử vong và 34,32 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71,8%).
Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Hàng loạt quốc gia châu Âu đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai khi các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. Tuy nhiên, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp cảnh báo những biện pháp này cũng không ngăn được các đợt dịch tiếp theo, trừ khi có vắc xin COVID-19, theo Reuters.
Peru hiện là quốc gia có tỉ lệ người tử vong do COVID-19 tính trên tổng dân số cao nhất thế giới, khi cứ 100.000 người dân thì có 105 người không qua khỏi dịch bệnh này. Tiếp đến là Bỉ (102/100.000), Tây Ban Nha (78/100.000) và Brazil (75/100.000).
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 9,68 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 89.180 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.123 ca, nâng tổng số lên 238.563. Tổng số người phục hồi là hơn 6,23 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 64,3%).
Tình hình COVID-19 tại Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới trên cả nước tăng cao.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 8,31 triệu ca nhiễm và 123.650 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 46.033 và 511 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 92% với tổng 7,65 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này đang giảm dần.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 12.920 và 276 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,56 triệu và 160.548 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,02 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 89,7%.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 18.648 ca mắc và 355 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,67 triệu trường hợp, trong đó 28.828 trường hợp tử vong, và hơn 1,25 triệu người hồi phục (đạt 74,5%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.
Theo kết quả của một cuộc thăm dò, chỉ có 36% người Nga sẵn sàng tiêm vắc xin chống lại COVID-19. Tỉ lệ người Nga không muốn tiêm chủng đã tăng lên 59% trong tháng 10 từ mức gần 54% vào tháng 8, theo The Moscow Times.
Tại Pháp, tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng khi liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt trong những ngày qua.
Pháp đang có kế hoạch chuyển bệnh nhân COVID-19 sang điều trị tại Đức trong vài ngày tới, do hệ thống y tế của nước này đã quá tải, theo AFP.
Nước này hiện đã báo cáo hơn 1.5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 38.289 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Hungary thông báo số ca nhiễm mới và số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, cụ thể 3.989 ca nhiễm mới và 84 ca tử vong.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 49 ca nhiễm mới, trong đó có 5 trường hợp nội địa đều ở khu tự trị Tân Cương Uygur, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.070 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.045 (94,1%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 75 ca mắc mới, với 49 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 26.807 ca, trong đó có 472 trường hợp tử vong và 24.510 người đã hồi phục (91,2%).
Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Hàn Quốc có sụt giảm nhẹ xuống mức 2 con số trong ngày thứ hai liên tiếp.
Hôm 2/11, Campuchia bắt đầu thực thi giai đoạn 3 mở cửa lại trường học trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này giảm, theo TTXVN.
Theo đó, tất cả học sinh có thể đến lớp sau một thời gian học trực tuyến. Các trường học có thể nối lại các hoạt động giáo dục thể chất, thư viện và phục vụ bữa ăn học đường như trước.
Các trường học được phép giảng dạy 5 giờ/ngày và 3 ngày/tuần, tập trung vào hai môn chính. Sĩ số tối đa mỗi lớp là 30 học sinh.
Tính đến nay, Campuchia đã xác nhận tổng cộng 292 ca nhiễm COVID-19, trong đó 283 ca hồi phục và không có ca tử vong nào.