|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 31/10: Sản xuất vắc xin Nga có thể bị trì hoãn do thiếu trang thiết bị

08:03 | 31/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 31/10, thế giới đã vượt 45 triệu ca nhiễm COVID-19. Mỹ, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục. Bỉ phong toả toàn quốc. Nhật Bản nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh. Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (31/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 59 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.177 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 14.713.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 31/10: Sản xuất vắc xin Nga có thể bị trì hoãn do thiếu trang thiết bị - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Suckhoedoisong).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.063/1.177 bệnh nhân COVID-19.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 6 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 4 ca, số ca âm tính lần 3 là 7 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 31/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 45,88 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,19 triệu người tử vong và 33,22 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73,0%).

Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Nhiều nước ở châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới cao kỉ lục trong 24 giờ qua. 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 9,31 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 98.236 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 961 ca, nâng tổng số lên 235.132. Tổng số người phục hồi là hơn 6,01 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 64,7%). 

Số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ tăng vọt trong 1 ngày qua và lập mức tăng cao kỉ lục. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là miền Tây và Trung Tây nước Mỹ. Theo Dự án Theo dõi Covid, 29 bang Mỹ ghi nhận ca nhiễm mới cao kỉ lục trong tháng 10, 41 bang và thủ đô Washington ghi nhận số ca nhập viện gia tăng.

New York và các khu vực khác của đông bắc Mỹ, nơi đã kiểm soát được COVID-19 sau khi từng là tâm dịch, cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại của các ca nhiễm mới.

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng số ca nhiễm COVID-19 nếu vẫn "đi sai hướng" trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 như hiện nay, theo Reuters.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 8,13 triệu ca nhiễm và 121.681 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 48.120 và 550 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 91,2% với tổng 7,43 triệu người đã khỏi bệnh.

Số ca mắc mới hàng ngày tại nước này đã giảm những vẫn ở mức khá cao. Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Ấn Độ cho rằng nước này đã đạt đỉnh dịch. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 23.126 và 529 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,51 triệu và 159.562 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,96 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90,1%. 

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 18.283 ca mắc (mức tăng cao kỉ lục) và 355 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,59 triệu trường hợp, trong đó 27.656 trường hợp tử vong, và hơn 1,2 triệu người hồi phục (đạt 74,6%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tất cả các khu vực của Nga hiện đang gặp phải tình trạng thiếu bác sĩ chống dịch COVID-19

Tổng thống Vladimir Putin thông báo vắc xin COVID-19 của Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị dẫn đến các thử nghiệm lâm sàng phải tạm dừng và có thể khiến việc sản xuất hàng loạt bị trì hoãn.

Ông Putin cũng khẳng định không có kế hoạch phong toả toàn quốc, đồng thời cho biết sẽ chỉ đưa ra các biện pháp "hợp lí, có mục tiêu" cho phép nền kinh tế được duy trì, theo The Moscow Times.

Bỉ, quốc gia có mức độ lây nhiễm virus SARS-Cov-2 cao hàng đầu thế giới (với trên 100.000 ca nhiễm mới trong tuần trước), đã quyết định thực hiện các biện pháp "phong tỏa nghiêm ngặt" toàn quốc trong vòng 6 tuần kể từ ngày 2/11, theo The Guardian.

Theo đó, các cửa hàng "không thiết yếu" (các cửa hàng không phải là cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc) sẽ phải đóng cửa, toàn bộ các cơ quan và doanh nghiệp bắt buộc phải làm việc từ xa. Mỗi gia đình chỉ được tiếp 1 vị khách mỗi tuần. Học sinh được nghỉ tới ngày 15/11.

Các bệnh viện tại Bỉ đang phải đối mặt với sức ép rất lớn. Dự kiến từ nay tới giữa tháng 11, sẽ có tới 2.800 bệnh nhân nguy kịch phải điều trị tích cực" (trong khi ở Bỉ chỉ có tối đa 2000 giường hồi sức cấp cứu).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới, trong đó có 1 trường hợp nội địa ở tỉnh Sơn Đông, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.940 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.967 (94,2%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 114 ca mắc mới, với 93 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 26.385 ca, trong đó có 463 trường hợp tử vong và 24.227 người đã hồi phục (91,9%).

Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Hàn Quốc tăng ở mức 3 con số trong ngày thứ ba liên tiếp do các ca nhiễm theo cụm tại các viện dưỡng lão và các cơ sở có nguy cơ khác tiếp tục gia tăng, theo Yonhap.

Các ca lây nhiễm lẻ tẻ tiếp tục gia tăng tại các cuộc tụ họp nhỏ, bao gồm các cuộc tụ tập gia đình trên cả nước.

Nhật Bản sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài tới từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh gồm Australia, Brunei, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam từ ngày 1/11 tới. 

Nhật Bản và Việt Nam cũng đã thống nhất khởi động lại các chuyến bay phục vụ mục đích công tác kể từ ngày 1/11. 

Myanmar và Jordan sẽ được bổ sung vào danh sách các nước và khu vực có công dân bị cấm nhấp cảnh, nâng tổng số nước và khu vực trong danh sách lên 152. Ngoài ra, những người nước ngoài đi qua bất kì quốc gia hay khu vực nào trong danh sách trên trong vòng 14 ngày kể từ khi đi đến Nhật Bản cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh. 

Đặc biệt, Nhật Bản sẽ tiếp tục tạm ngừng thỏa thuận miễn thị thực với các nước khác và hạn chế cấp thị thực mới. Điều này đồng nghĩa với việc trong phần lớn các trường hợp, khách du lịch sẽ không thể tới Nhật Bản, theo TTXVN.

Như Ý

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.