|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 3/10: Tỉ lệ lây nhiễm tại châu Âu tăng mạnh trong tuần qua

08:35 | 03/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 3/10, thế giới đã vượt mốc 34 triệu ca nhiễm COVID-19. Châu Âu có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất trong tuần qua. Tổng thống Mỹ mắc COVID-19. Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 4/10

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (3/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 31 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.096 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 16.182.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 3/10: Tỉ lệ lây nhiễm tại châu Âu tăng mạnh trong tuần qua - Ảnh 1.

Tình hình các trường hợp cách li tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.020/1.096 ca mắc (96%). 

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 1 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam...

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 3/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 34,79 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,03 triệu người tử vong và 25,86 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 74,3%).

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Thep AFP, châu Âu trong 7 ngày qua là châu lục có tốc độ lây nhiễm virus cao nhất thế giới với 10% so với tuần trước, trong khi Trung Đông tăng thêm 5%, châu Đại Dương 5%, Mỹ và Canada tăng 1% so với tuần trước. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm giảm tại các khu vực châu Phi (-7%), châu Á (-5%), Mỹ Latinh và vùng Caribe (-3%).

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 7,54 triệu ca nhiễm COVID-19, (chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới), sau khi ghi nhận thêm 47.862 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 791 ca, nâng tổng số lên 213.451. Tổng số người phục hồi là hơn 4,77 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 63,2%).

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ có giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 2.711 ca ở California, 3.082 ca ở Texas, và 2.660 ca ở Florida, Georgia ghi nhận thêm 1.300 ca, Illinois 2.456 ca.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 3/10: Tỉ lệ lây nhiễm tại châu Âu tăng mạnh trong tuần qua - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tại Nhà Trắng hôm 11/9. (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo ông và Đệ nhất phu nhân Melania dương tính với SARS-CoV-2, chỉ vài giờ sau thông tin Hope Hicks, trợ lí thân cận của ông Trump, nhiễm virus. Tổng thống Trump đã vào viện và cho biết ông và Đệ nhất phu nhân hiện đang vẫn ổn, theo Reuters.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 6,47 triệu ca nhiễm và 100.873 ca tử vong, tăng lần lượt 79.774 và 1.069 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 83,7% với tổng 5,42 triệu người đã khỏi bệnh.

Số ca mắc mới và tử vong trong một ngày qua của nước này cao nhất thế giới, các số liệu thực tế bị cho là cao hơn nhiều so với con số được công bố chính thức. Ấn Độ hiện xếp thứ 3 về tổng số người tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Mỹ, Brazil.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 33.002 và 664 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,88 triệu và 145.431 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,23 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 86,6%.

Số ca nhiễm mới báo cáo mỗi ngày tại nước này đang có xu hướng giảm. Giới chuyên gia Brazil nhận định rằng các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 9.412 ca mắc và 186 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,19 triệu trường hợp, trong đó 21.077 trường hợp tử vong, và 970.296 người hồi phục (đạt 81,5%). Số ca nhiễm mới tại Nga có tăng nhẹ và vượt mức 9.000 ca/ngày lần đầu tiên trong 24 giờ qua kể từ hôm 1/6.

Theo Sputnik, sau khi Tổng thống Mỹ nhiễm COVID-19, giám đốc Viện Gamaleya của Nga bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ, khuyên Trump tiêm vaccine Covid-19 Sputnik V mà họ phát triển.

Tây Ban Nha đã vượt Mexico trở thành vùng dịch lớn thứ 7 thế giới. Nước này hiện đã ghi nhận 810.807 ca nhiễm, trong đó có 32.086 ca tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tỉ lệ 859 ca nhiễm trên 100.000 dân, khu vực Madrid là điểm nóng nhất về COVID-19 ở châu Âu.

Chính quyền khu vực thủ đô Madrid cho biết trong những giờ tới sẽ công bố sắc lệnh đặt thủ đô Tây Ban Nha và 9 thành phố xung quanh vào diện đóng cửa một phần và cấm di chuyển không cần thiết đến và đi khỏi thành phố để ngăn chặn sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới COVID-19, theo TTXVN.

Với các hạn chế mới, người dân khu vực trên sẽ không được di chuyển ra ngoài thành phố, chỉ được phép ra ngoài làm việc, đi học, khám bệnh hoặc mua hàng. Các quán rượu và nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 11h đêm thay vì từ 1 giờ sáng.

Mexico là vùng dịch lớn thứ 9 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 748.315 ca, trong đó có 78.078 ca tử vong - cao thứ tư thế giới, và 537.475 người hồi phục (71,8%).

Giới chức y tế Mexico từng thừa nhận số ca tử vong được báo cáo tại nước này thấp hơn nhiều so với thực tế.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 47 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.424 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.601 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 63 ca mắc mới, trong đó có 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 23.952 ca, trong đó có 416 trường hợp tử vong và 21.733 người đã hồi phục (90,7%).

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 100 ngày thứ hai liên tiếp, nhưng quốc gia này vẫn cảnh giác cao độ về khả năng bùng phát lây truyền dịch bệnh trong kì nghỉ kéo dài trong tuần này, theo Yonhap. Các ca nhiễm lẻ tẻ tiếp tục xuất hiện trên toàn quốc.

Tại Italy, ngày 2/10 chính quyền thủ đô Rome và khu vực Lazio đã đưa ra qui định bắt buộc người dân đeo khẩu trang cả ngày khi đi ra khỏi nhà, nhằm ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng trở lại, theo The Telegraph.

Italy đến nay đã ghi nhận 319.908 ca nhiễm, trong đó 35.941 ca không qua khỏi.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.