Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 4/10: Nga có thuốc đặc trị COVID-19 mới đã được đăng kí lưu hành
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/10
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (4/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 32 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.096 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 16.477.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.020/1.096 ca mắc (96%).
Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 1 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 3/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 35,11 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,03 triệu người tử vong và 26,10 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 74,3%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Theo dự báo của WHO, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc xin điều trị.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 7,6 triệu ca nhiễm COVID-19, (chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới), sau khi ghi nhận thêm 48.233 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 747 ca, nâng tổng số lên 214.269. Tổng số người phục hồi là hơn 4,81 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 63,2%).
Số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ có giảm, nhưng vẫn ở mức cao.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 3.030 ca ở California, 2.424 ca ở Texas, và 2.424 ca ở Florida, Georgia ghi nhận thêm 1.444 ca, Illinois 2.442 ca.
Bác sĩ Nhà Trắng hôm nay thông báo Trump đã không sốt trong 24 giờ qua, không bị khó thở và đang "rất ổn", nhưng theo Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói tình trạng của ông rất đáng lo ngại và 48 giờ điều trị tới sẽ rất quan trọng.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 6,54 triệu ca nhiễm và 101.812 ca tử vong, tăng lần lượt 75.479 và 937 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 84,09% với tổng 5,50 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca mắc mới và tử vong trong một ngày qua của nước này cao nhất thế giới, các số liệu thực tế được cho là cao hơn nhiều so với con số được công bố chính thức. Ấn Độ hiện xếp thứ 3 về tổng số người tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Mỹ, Brazil.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 24.602 và 556 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,90 triệu và 145.987 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,24 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 86,5%.
Số ca nhiễm mới báo cáo mỗi ngày tại nước này đang có xu hướng giảm. Giới chuyên gia Brazil nhận định rằng các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 9.859 ca mắc và 174 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,20 triệu trường hợp, trong đó 21.251 trường hợp tử vong, và 975.859 người hồi phục (đạt 81,5%). Số ca nhiễm mới tại Nga có tăng nhẹ và đánh dấu ngày lthứ hai liên tiếp vượt mức 9.000 ca/ngày kể từ hôm 1/6.
Thị trưởng thủ đô Moskva Sergei Sobyanin, cho biết các bệnh nhân mắc COVID-19 ở thủ đô từ tháng này sẽ được cấp miễn phí loại thuốc đặc trị COVID-19 mới đã được đăng kí lưu hành, theo TTXVN.
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Nga, các bệnh nhân ngoại trú sẽ được cấp hai loại thuốc chống virus mới là Areplivir và Coronavir.
Bên cạnh đó, trước đó, thị trưởng Sobyanin đã yêu cầu các chủ lao động ở thành phố chuyển ít nhất 30% nhân viên và tất cả các nhân viên trên 65 tuổi hoặc những người mắc bệnh mãn tính sang làm việc từ xa kể từ ngày 5/10, ngoại trừ những người đóng vai trò thiết yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp, và sẽ phạt nặng các doanh nghiệp không tuân thủ qui định này.
Tây Ban Nha đã vượt Mexico trở thành vùng dịch lớn thứ 7 thế giới. Nước này hiện đã ghi nhận 810.807 ca nhiễm, trong đó có 32.086 ca tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tỉ lệ 859 ca nhiễm trên 100.000 dân, khu vực Madrid là điểm nóng nhất về COVID-19 ở châu Âu.
Thủ đô Madrid và 9 thành phố xung quanh bắt đầu phong tỏa một phần trong 14 ngày từ 2/10. Người dân khu vực trên sẽ không được rời khỏi thành phố nếu không vì mục đích thiết yếu nhưng không bắt buộc phải ở nhà. Quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 11h đêm, công viên và sân chơi bị đóng cửa, chỉ cho phép tụ tập tối đa 6 người, theo AFP.
Mexico là vùng dịch lớn thứ 9 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 753.090 ca, trong đó có 78.492 ca tử vong - cao thứ tư thế giới, và 541.518 người hồi phục (71,9%). Số ca nhiễm mới hằng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm từ đầu tháng 8.
Giới chức y tế Mexico từng thừa nhận số ca tử vong được báo cáo tại nước này thấp hơn nhiều so với thực tế.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 48 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.434 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.611 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 75 ca mắc mới, trong đó có 52 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 24.027 ca, trong đó có 420 trường hợp tử vong và 21.787 người đã hồi phục (90,6%).
Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 100 ngày thứ ba liên tiếp.
Pháp hôm nay ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 cao kỉ lục với 16.972 trường hợp, nâng tổng số ca lên 606.625, số ca tử vong là 32.198.
Theo CNN, Paris và những vùng ngoại ô lân cận có nguy cơ bị áp lệnh phong tỏa lại vào hôm 5/10 khi chính phủ cho hay tình hình COVID-19 ở thủ đô đang tệ hơn.
Marseille và Guadeloupe, vùng lãnh thổ ở hải ngoại của Pháp, đang được đặt trong tình trạng "báo động tối đa". Theo Bộ Y tế Pháp, mức báo động này đồng nghĩa với việc tất cả các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và thư viện phải đóng cửa, trừ khi những nơi này có qui trình kiểm tra sức khỏe và đảm bảo an toàn nghiêm ngặt.
Người đi bộ và người đi xe máy ở Paris phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng có không gian kín, học sinh trên 11 tuổi cũng phải tuân thủ qui định này.