Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 3/1: Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (2/1) có thêm 8 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.482 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.372.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.337/1.482 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 6 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 84,33 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,83 triệu người tử vong và 59,61 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70%).
Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 20,87 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 205.923 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.942 ca, nâng tổng số lên 358.517. Tổng số người phục hồi là hơn 12,32 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 58%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Mỹ vẫn đang ở mức cao vượt tầm kiểm soát.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,32 triệu ca nhiễm và 149.471 ca tử vong, tăng lần lượt 21.222 và 266 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 95% với tổng 9,92 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.
Tình hình dịch bệnh nước này đã ổn định. Ấn Độ dự kiến bắt đầu đợt tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người từ đầu tháng này, theo CNN.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 15.827 và 301 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 7,71 triệu và 195.742 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 6,76 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil dao động thất thường nhưng có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 26.301 ca mắc và 447 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,21 triệu trường hợp, trong đó 58.002 trường hợp tử vong, và hơn 2,59 triệu người hồi phục (đạt 79%). Số ca nhiễm mới trong một ngày qua tại Nga có sự giảm nhẹ.
The Moscow Times dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu đầu năm mới hôm thứ năm rằng làn sóng dịch bệnh thứ hai đang tiếp tục tàn phá đất nước.
Anh trong ngày 2/1 đã ghi nhận số ca bệnh mắc COVID-19 tiếp tục cao kỷ lục với 57.725 trường hợp và thêm 445 bệnh nhân tử vong, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp có số ca mắc vượt mức 50.000, khiến chính phủ Anh gặp chỉ trích và sức ép phải bãi bỏ quyết định mở cửa trở lại phần lớn các trường học trong tháng này, theo TTXVN.
Reuters đưa tin hôm 2/1, chính phủ Anh cho phép tiêm kết hợp hai mũi vắc xin COVID-19 khác nhau, nếu loại vắc xin tiêm lần một đã hết hàng, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ xảy ra trong một số trường hợp cực kỳ hiếm và không được khuyến nghị.
"Chính phủ cần nỗ lực hết sức để cung cấp cho người dân cùng một loại vắc xin. Tuy nhiên, nếu điều này là không thể thì tốt nhất là nên tiêm liều thứ hai bằng một loại vắc xin khác, chứ không nên bỏ qua", Bà Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cho biết.
Đầu tuần này, Anh cũng đã gây tranh cãi khi kế hoạch tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech (21 ngày sau liều thứ nhất) bị trì hoãn để có thêm nhiều người được tiếp cận với mũi vắc xin thứ nhất hơn.
Ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết hôm 1/1 rằng ông không đồng tình với cách tiếp cận của Anh về việc trì hoãn liều thứ hai lên đến 12 tuần.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới, trong đó có 8 ca nội địa (7 trường hợp ở Liêu Ninh, 1 trường hợp ở thành phố Bắc Kinh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.093 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 82.076 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 824 ca mắc mới, với 788 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 62.593 ca, trong đó có 942 trường hợp tử vong, và 43.578 người đã hồi phục (70%).
Các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc giảm xuống dưới mức 900 ca trong 24 giờ qua, phần lớn do ít xét nghiệm hơn trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Hàn Quốc đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội Cấp độ 2,5 hiện tại cho Seoul và khu vực lân cận, và Cấp 2 cho phần còn lại của đất nước cho đến ngày 17/1. Lệnh cấm các cuộc tụ tập riêng từ 5 người trở lên sẽ được mở rộng áp dụng trên toàn quốc.
Các nhà chức trách đã quyết định không nâng mức giãn cách lên cấp độ cao nhất vì số bệnh hàng ngày trong thời gian gần đây dao động khoảng 1.000 người mà không có sự gia tăng đột biến nào, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy những nỗ lực giãn cách xã hội của nước này đang được đền đáp.
Tại Nhật, chính quyền thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận đang kêu gọi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp do ca nhiễm mới ngày càng tăng gây sức ép tới hệ thống y tế nước này. Tokyo hôm 31/12 ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 1.337 trường hợp. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 48% người được hỏi đồng ý rằng chính phủ nên ban bố tình trạng khẩn cấp, theo Nikkei.