|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 19/9: Việt Nam 17 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng

07:39 | 19/09/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 19/9, thế giới đã vượt mốc 30 triệu ca nhiễm COVID-19. Indonesia có số người tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á, ca mắc mới tại Hàn Quốc vẫn đang ở mức ba con số. Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 20/9

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (19/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 17 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.068 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 30.163.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 19/9: Việt Nam 17 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Suckhoedoisong).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 941/1.068 ca mắc.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 22 ca.

Hiện có 1 trường hợp phải thở oxy hỗ trợ, và 1 trường hợp nặng thở máy xâm nhập. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 19/9, toàn thế giới có tổng cộng hơn 30,65 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 955.295 người tử vong và 22,31 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 72,7%).

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,92 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 22,58% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 45.796 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 878 ca, nâng tổng số lên 203.091. Tổng số người phục hồi là hơn 4,18 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 60,4%).

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm cao, với 3.204 ca ở Florida, 3.787 ca ở Texas và 2.996 ca ở California, Georgia ghi nhận thêm 1.834 ca, Illinois 2.223 ca.

Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 5,30 triệu ca nhiễm và 85.625 ca tử vong, tăng lần lượt 92.789 và 1.221 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 79,2% với tổng 4,20 triệu người đã khỏi bệnh.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh. Ấn Độ hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong một ngày qua cao nhất thế giới.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 39.991 và 826 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,49 triệu và 135.857 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,78 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 84,1%. 

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.905 ca mắc và 134 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,09 triệu trường hợp, trong đó 19.195 trường hợp tử vong, và 901.207 người hồi phục (đạt 82,6%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.

Colombia hôm nay đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 750.471 ca, trong đó có 23.850 ca tử vong, và 621.521 người hồi phục (82,8%).

Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.

Mexico là vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 684.113 ca, trong đó có 72.179 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 488.416 người hồi phục (71,3%).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 33 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.255 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.456 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 126 ca mắc mới, trong đó có 109 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 22.783 ca, trong đó có 372 trường hợp tử vong và 19.771 người đã hồi phục.

Đây là ngày thứ 16 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 200 ca/ngày.  

Theo TTXVN, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang ở mức ba con số, chính phủ Hàn Quốc đang hết sức quan ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trên diện rộng khi người dân di chuyển về quê gia tăng trong dịp nghỉ Tết Trung Thu sắp tới. Thủ tướng Chung Sye-kyun kêu gọi người dân hạn chế về quê thăm nhà vào kì nghỉ lễ này.

Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ 8 trên thế giới với 659.334 ca nhiễm đã ghi nhận từ đầu mùa dịch, trong đó có 30.495 trường hợp tử vong. Nước này đang trải qua sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và số ca mắc mới theo ngày đang có dấu hiệu giảm dần.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 19/9: Việt Nam 17 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng - Ảnh 2.

Nhân viên làm việc trong phòng thí nghiệm ở thành phố San Sebastian, Tây Ban Nha, tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters).

El Pais, một trong những tờ báo lớn nhất Tây Ban Nha, đăng tải hôm 18/9 cho rằng tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu từ các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu về vắc xin COVID-19 ở nước này.

Indonesia thông báo có thêm 3.891 ca nhiễm mới và 114 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 236.519 và 9.336 ca. Hiện Indonesia là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á. 

Một khảo sát của sáng kiến dữ liệu COVID-19 Lapor và các nhà nghiên cứu tại đại học Indonesia tháng trước cho thấy 33% trong số 181 người được hỏi đã bị tẩy chay sau khi nhiễm COVID-19, theo Reuters.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.