Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 17/11: Hàn Quốc nâng mức giãn cách xã hội tại Seoul
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (17/11) có thêm 2 ca nhiễm đều là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 74 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.283 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.549.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.124/1.283 bệnh nhân COVID-19
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 7 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 18 ca, số ca âm tính lần 3 là 6 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 17/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 55,31 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,33 triệu người tử vong và 38,44 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69,5%).
Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Hầu hết các quốc gia châu Âu đang tiếp tục đối mặt với làn sóng dịch bệnh gia tăng khó kiểm soát, khiến các nước phải tăng cường các biện pháp hạn chế.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 11,52 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 148.523 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 699 ca, nâng tổng số lên 252.611. Tổng số người phục hồi là hơn 7,01 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 60,9%).
Mỹ vượt mức 11 triệu ca nhiễm hôm 15/11, cột mốc mới diễn ra chỉ 6 ngày sau khi nước này báo cáo 10 triệu trường hợp mắc COVID-19. Đây là mức tăng 1 triệu ca nhanh nhất từ khi đại dịch xuất hiện, theo CNN.
Toàn bộ nước Mỹ là một điểm nóng của dịch bệnh khi ít nhất 45 bang báo cáo số ca nhiễm mới trong tuần qua đều tăng so với tuần trước.
Hàng loạt bang đã tăng cường các biện pháp hạn chế. Bang Washington công bố những hạn chế mới đối với các cuộc tụ tập, hoạt động kinh doanh và tôn giáo. Michigan thông báo các trường trung học và cao đẳng sẽ chuyển sang hình thức học từ xa trong 3 tuần, cùng với những hạn chế khác đối với các hoạt động giao lưu và kinh doanh.
Utah yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Ohio ban hành các qui định nghiêm ngặt hơn về đeo khẩu trang trong các doanh nghiệp. New Mexico cấm các dịch vụ trực tiếp với những lĩnh vực kinh doanh không thiết yếu. New York cho biết hầu hết các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trước 22h. Oregon sẽ đóng cửa nhà hàng ăn uống trong nhà và giới hạn các cuộc tụ tập không quá 6 người...
Các bệnh viện đang ở thời điểm tồi tệ nhất từ khi đại dịch xuất hiện. Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì COVID-19 cao kỉ lục hôm 14/11 với 69.455 trường hợp, vượt xa mức đỉnh hồi mùa xuân (59.940 ca ngày 15/4) và mức đỉnh đợt mùa hè (59.718 ca ngày 23/7).
Ở một số bệnh viện, tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng đến mức các bác sĩ, y tá nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng được phép tiếp tục làm việc trong các khoa điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Vắc xin COVID-19 của Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna được thông báo có hiệu quả cao hơn mức dự báo, 94,5%. Như vậy, cùng với vắc xin của công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác phát triển, cũng cho thấy hiệu quả hơn 90%, Mỹ có thể có 2 loại vắc xin COVID-19 được cấp phép để sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới. Ngoài khoảng 20 triệu liều dự kiến sản xuất trong năm nay, Chính phủ Mỹ có thể tiếp cận được với hơn 1 tỉ liều từ các nhà sản xuất dược phẩm trên vào năm 2021, theo Reuters.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 8,87 triệu ca nhiễm và 130.552 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 28.377 và 443 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 93,2% với tổng 8,28 triệu người đã khỏi bệnh.
Trong khi số ca mắc mới trên cả nước đã giảm đáng kể từ giữa tháng 9, vùng thủ đô Delhi lại đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 13.647 và 256 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,87 triệu và 166.067 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,32 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90,2%.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, ghi nhận thêm 22.778 ca mắc và 303 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,94 triệu trường hợp, trong đó 33.489 trường hợp tử vong, và hơn 1,45 triệu người hồi phục (đạt 74,4%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần và tiếp tục lập mức tăng cao kỉ lục trong 24 giờ qua.
Cộng hòa Buryatia ở Siberia trở thành khu vực đầu tiên của Nga tái áp đặt lệnh phong toả. Các nhà hàng, trung tâm thương mại và các địa điểm tụ tập đông người khác sẽ đóng cửa trong 2 tuần kể từ 16/11. Lăng Lenin và nghĩa trang Kremlin sẽ đóng cửa từ ngày 17/ 11. Nhà xác tại khu vực Ivanovo đang bị quá tải trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 ngày càng tăng, theo The Moscow Times.
Tại Australia, chính quyền thành phố Adelaide, bang South Australia hôm qua thông báo phát hiện ổ dịch mới khởi phát từ một khách sạn được sử dụng làm nơi cách li người trở về từ nước ngoài, theo TTXVN.
Ca nhiễm mới tại nước này đã giảm mạnh trong 3 tháng qua khi chỉ ghi nhận ở mức 2 con số.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp ngoại nhập, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.346 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.338 (94,1%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 223 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 28.769 ca, trong đó có 494 trường hợp tử vong và 25.759 người đã hồi phục (89,9%).
Số ca bệnh mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc vượt mốc 200 ngày thứ ba liên tiếp. Chính phủ nước này hôm nay quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 1,5 ở Seoul, trong bối cảnh các trường hợp COVID-19 mới bùng phát trở lại trong và xung quanh thủ đô, theo Yonhap.
Dưới Cấp độ 1, người dân được yêu cầu tuân theo các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như đeo khẩu trang và không khuyến khích tụ tập trên 500 người. Ở Cấp độ 1.5, hoạt động của các cơ sở đa dụng và có nguy cơ cao sẽ bị hạn chế, các trường học giới hạn ở mức 2/3 tổng số học sinh tới lớp.