|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 16/11: Mỹ có thể ghi nhận 8-13 triệu ca nhiễm trong 2 tháng tới

08:52 | 16/11/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 16/11, thế giới đã vượt 54 triệu ca nhiễm COVID-19. Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (16/11) không có thêm ca nhiễm. Như vậy, đã 73 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.281 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.549.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Suckhoedoisong).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.103/1.281 bệnh nhân COVID-19

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 13 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 16/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 54,79 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,32 triệu người tử vong và 38,11 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69,5%).

Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ và 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.  

Hầu hết quốc gia châu Âu đều đang trải qua làn sóng dịch bệnh gia tăng khó kiểm soát, khiến các nước phải liên tiếp tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế đại dịch.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 11,35 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 127.651 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 562 ca, nâng tổng số lên 251.815. Tổng số người phục hồi là hơn 6,92 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 60,9%). 

Số ca nhiễm tại Mỹ đang tăng vọt khi 12 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 100.000 ca bệnh mới. Dựa trên các số liệu về COVID-19 được ghi nhận trong thời gian qua, theo Reuters, tình hình đại dịch ở Mỹ sẽ ngày càng nghiêm trọng trên khắp đất nước và có thể có thêm 8-13 triệu ca bệnh, 70.000-150.000 ca tử vong trong vòng 2 tháng tới.

Khoảng 20 triệu người có thể được tiêm vắc xin COVID-19 vào tháng sau, chiến dịch nghiên cứu vắc xin thần tốc chính phủ Mỹ cho hay. Mốc thời gian cụ thể tùy thuộc vào số loại vắc xin được cho phép sử dụng khẩn cấp, theo Politico.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 8,84 triệu ca nhiễm và 130.082 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 29.035 và 408 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 93,2% với tổng 8,24 triệu người đã khỏi bệnh. 

Trong khi số ca mắc mới trên cả nước đã giảm đáng kể từ giữa tháng 9, vùng thủ đô Delhi lại đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất. Hiện nhiều bệnh viện tại Delhi đã hết giường bệnh chăm sóc đặc biệt, những giường bệnh thường cũng đang dần được sử dụng, theo TTXVN.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 14.134 và 125 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,86 triệu và 165.798 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,29 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90,2%. 

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Brazil đang trên đà giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Pháp, ổ dịch lớn thứ 4 thế giới, báo cáo hơn 1,98 triệu ca nhiễm với 44.548 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 27.228 ca bệnh và 302 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Pháp, số ca mắc mới và nhập viện vì COVID-19 ở nước này đã giảm mạnh trong tuần qua sau khi nước này phong tỏa Paris và những thành phố lớn khác từ cuối tháng trước.

Nga, vùng dịch lớn thứ 5 trên thế giới, ghi nhận thêm 22.572 ca mắc và 352 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,92 triệu trường hợp, trong đó 33.186 trường hợp tử vong, và hơn 1,43 triệu người hồi phục (đạt 74,4%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.

Trong khi Moscow vẫn là tâm dịch ở Nga, virus đang ngày càng gây căng thẳng cho các bệnh viện trên khắp đất nước. Trong những tuần gần đây, Nga đã tái áp đặt qui định đeo khẩu trang trên toàn quốc và đóng cửa quán bar, hộp đêm và các cơ sở khác hoạt động đêm khuya ở một số khu vực, nhưng trì hoãn việc phong toả rộng rãi vì lí do kinh tế, theo The Moscow Times.

Tại Hy Lạp, lệnh cấm các cuộc tụ tập từ 4 người trở lên sẽ có hiệu lực từ 15-18/11 trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải do số bệnh nhân COVID-19 gia tăng. Lệnh cấm được đưa ra trước thềm lễ kỉ niệm ngày nổ ra cuộc nổi dậy trong sinh viên năm 1973, theo TTXVN.

Các biện pháp phòng dịch cứng rắn tại Đức có thể kéo dài thêm trong 4-5 tháng nữa khi số ca mắc COVID-19 tại Đức vẫn đang ở mức cao, theo Reuters.

Số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại nước này đã giảm nhưng vẫn ở mức cao sau khi áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ đầu tháng 11. Hôm 13/11 Đức ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất từ khi dịch bệnh xuất hiện với hơn 23.000 ca.

Cùng ngày, Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 tại Trung Đông, ghi nhận thêm con số cao kỉ lục 12.543 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 762.068 ca.

Số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở Iran có xu hướng tăng mạnh từ đầu tháng 9

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp ngoại nhập, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.338 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.319 (94,1%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 208 ca mắc mới, với 176 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 28.546 ca, trong đó có 493 trường hợp tử vong và 25.691 người đã hồi phục (89,9%).

Số ca bệnh mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc vượt mốc 200 ngày thứ hai liên tiếp (cao nhất trong 73 ngày trở lại) do các ca nhiễm theo cụm trên khắp đất nước, các cơ quan y tế đang xem xét nâng mức độ các biện pháp giãn cách xã hội lên một bậc trong hệ thống 5 cấp, theo Yonhap.

Như Ý