Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 16/9: Một thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, Mỹ sắp có vắc xin COVID-19
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 17/9
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (16/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 2 tuần, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.063 trường hợp. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 32.417.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 931/1.063 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 18 ca.
Hiện có 3 trường hợp có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch phải thở oxy hỗ trợ, trong đó 01 trường hợp nặng thở máy xâm nhập. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 16/9, toàn thế giới có tổng cộng hơn 29,71 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 938.361 người tử vong và 21,52 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 72,4%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,78 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 22,84% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 35.432 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.158 ca, nâng tổng số lên 200.158. Tổng số người phục hồi là hơn 4,06 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59,8%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm cao, với 3.116 ca ở Florida, 4.241 ca ở Texas và 2.470 ca ở California, Georgia ghi nhận thêm 1.496 ca, Illinois 1.466 ca.
Tổng thống Donald Trump hôm qua cho biết Mỹ có thể sẽ có vắc xin COVID-19 trong 4-8 tuần tới, theo Fox News.
Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 5,01 triệu ca nhiễm và 82.091 ca tử vong, tăng lần lượt 91.120 và 1.283 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 78,4% với tổng 3,93 triệu người đã khỏi bệnh.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh. Ấn Độ hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong một ngày qua cao nhất thế giới.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 34.755 và 1.090 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,38 triệu và 133.207 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,67 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 83,7%.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.529 ca mắc và 150 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,07 triệu trường hợp, trong đó 18.785 trường hợp tử vong, và 884.305 người hồi phục (đạt 82,6%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.
Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 738.020 ca, trong đó có 30.927 ca tử vong, và 580.753 người hồi phục (78,6%).
Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao.
Mexico đã vượt Nam Phi trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 7 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 671.716 ca, trong đó có 71.049 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 475.795 người hồi phục (70,8%).
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 30 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.202 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.426 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, giáp biên giới với Myanmar đã bị phong tỏa sau khi phát hiện ca nhiễm nCoV, theo AFP.
Người dân thành phố Thụy Lệ được yêu cầu ở trong nhà và bị cấm ra vào thành phố từ tối 14/9. 210.000 cư dân thành phố sẽ được xét nghiệm COVID-19.
Các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu. Giới chức thành phố cho biết các ca nhiễm mới có nguồn gốc từ Myanmar và chính quyền sẽ "trừng phạt những người nhập cư bất hợp pháp". Đồng thời chính quyền sẽ cho hồi hương những người không thể xác minh thời gian đến Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn đóng cửa với hầu hết người nước ngoài và phần lớn các ca nhiễm trong những tháng gần đây đều là công dân nước này hồi hương.
Chuyên gia an toàn sinh học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) Guizhen Wu phát biểu trên truyền hình nhà nước hôm 14/9 rằng người dân Trung Quốc có thể tiêm vắc xin COVID-19 do nước này phát triển sớm nhất vào tháng 11 hoặc tháng 12, theo Global Times.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 106 ca mắc mới, trong đó có 91 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 22.391 ca, trong đó có 367 trường hợp tử vong và 18.878 người đã hồi phục.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp trong 1 tháng qua Hàn Quốc có số ca lây nhiễm trong cộng đồng dưới 100 ca/ngày. Tình hình dịch bệnh tại nước này đang có diễn biến tích cực.
AFP dẫn lời ông Jens Spahn, bộ trưởng Y tế Đức hôm qua cho biết nước này có thể đạt miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc xin tự nguyện dự kiến phổ biến vào giữa năm 2021. Một khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân Đức sẵn sàng tiêm vắc xin.
Đức từng được xem như hình mẫu chống dịch của châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, nước này đang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại trong vài tuần gần đây và báo cáo 1.623 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua nâng tổng ca nhiễm lên 264.844 người kể từ khi dịch bùng phát.