Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 16/1: Đợt dịch mới tại Trung Quốc có thể âm thầm lây nhiễm từ ba tháng trước
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (15/1) có thêm 5 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.536 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.555.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.380/1.521 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần hai là 10 ca, số ca âm tính lần ba là 12 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 94,24 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,01 triệu người tử vong và 67,29 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).
Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 24,06 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 214.902 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.298 ca, nâng tổng số lên 401.365. Tổng số người phục hồi là hơn 14,2 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%).
Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,54 triệu ca nhiễm và 152.094 ca tử vong, tăng lần lượt 13.560 và 140 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,17 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.
AFP đưa tin chính phủ nước này sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ ngày 16/1, với mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người vào đầu tháng 9. Nhân viên y tế và những nhân viên tuyến đầu chống dịch sẽ được ưu tiên tiêm chủng, tiếp theo là người trên 50 tuổi và người có bệnh lý nền.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 68.138 và 1.131 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,39 triệu và 208.291 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,36 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Nước này đang trải qua đợt dịch thứ hai tồi tệ khi số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đều tăng vọt trên khắp đất nước.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 24.715 ca mắc và 555 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,52 triệu trường hợp, trong đó 64.495 trường hợp tử vong, và hơn 2,9 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới trong một ngày qua tại Nga tăng nhẹ.
Tổng thống Bolivia Luis Arce sẽ sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga khi nước này có kế hoạch tiêm chủng vắc xin do Nga phát triển cho 2,6 triệu người, theo Reuters.
Tại Italy, một triệu người dân đã được tiêm phòng COVID-19 tính tới ngày 15/1, sau hơn hai tuần triển khai chiến dịch, theo TTXVN.
Italy hiện đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về số người được tiêm chủng trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn phức tạp khi số ca bệnh mới không có dấu hiệu giảm.
Trước đó, chính phủ Italy đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 30/4, mở rộng các hạn chế đi lại của người dân. Cấm mọi hoạt động di chuyển giữa các vùng, khu vực tự trị đến ngày 15/2, ngoại trừ lý do công việc, sức khỏe, hoặc tình huống cấp thiết.
Từ ngày 16/1 - 5/3, người dân chỉ được phép tới nhà người khác trong cùng vùng, một lần mỗi ngày, từ 5 - 22h, với tối đa hai người và được phép kèm theo trẻ em dưới 14 tuổi…
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 144 ca nhiễm mới, trong đó có 135 ca nội địa, (90 trường hợp ở tỉnh Hà Bắc, 43 ở tỉnh Hắc Long Giang, một ở khu tự trị Choang Quảng Tây, một ở Thiểm Tây), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.988 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.352 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Các nhân viên y tế từ các vùng khác của Trung Quốc đã được cử tới Hà Bắc để hỗ trợ tiền tuyến. Đến hôm 13/1, hơn 5.400 cư dân từ các ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Gaocheng, một quận có nguy cơ lây nhiễm cao ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc đã được chuyển đến các cơ sở cách ly tập trung.
Ca COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên ở Hà Bắc được phát hiện từ 3/1, nhưng các chuyên gia y tế cho hay dịch có thể đã âm thầm lây lan từ tháng 11/2020 do người từ nước ngoài trở về, theo Reuters.
Tính theo tỷ lệ dân số, số ca nhiễm vẫn tương đối thấp, nhưng theo ông Phùng Tử Kiên, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, đợt bùng phát dịch ở Hà Bắc lan nhanh hơn những lần trước.
Các chuyên gia y tế cũng lo ngại thời gian ủ bệnh của chủng virus mới kéo dài hơn, khi vẫn phát hiện ca nhiễm sau 14 ngày cách ly.
Ông Phùng cho hay Trung Quốc đã hiểu hơn về đại dịch và khả năng bùng phát lây nhiễm quy mô lớn khó có thể xảy ra.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 513 ca mắc mới, với 484 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 71.241 ca, trong đó có 1.217 trường hợp tử vong, và 56.536 người đã hồi phục (70%).
Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc duy trì ở mức 500 ca trong ngày thứ tư liên tiếp, giới chức đang xem xét nới lỏng các hạn chế phòng dịch, theo Yonhap.