|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 13/10: Trung Quốc xét nghiệm toàn thành phố 9 triệu dân vì có ca nhiễm

08:24 | 13/10/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 13/10, thế giới đã vượt 38 triệu ca nhiễm COVID-19. Người châu Âu "chán ngấy" biện pháp phòng COVID-19. Trung Quốc xét nghiệm toàn thành phố 9 triệu dân vì có ca nhiễm. Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 14/10

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (13/10) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 41 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.110 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 13.845.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 13/10: Trung Quốc xét nghiệm toàn thành phố 9 triệu dân vì có ca nhiễm - Ảnh 1.

Tình hình các trường hợp cách li tại Việt Nam. (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.025/1.110 bệnh nhân COVID-19.

Hiện không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 15 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 13/10, toàn thế giới có tổng cộng hơn 38,02 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,08 triệu người tử vong và 28,58 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 75,1%).

Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Làn sóng COVID-19 đang trở lại khắp châu Âu, khiến các quan chức đưa ra hạn chế giống như hồi mùa xuân, nhưng lần này công chúng không còn hợp tác, theo NYTimes.

Tại Tây Ban Nha, chính quyền trung ương ngày 9/10 ban hành tình trạng khẩn cấp ở khu vực Madrid, nhưng bị các chính trị gia địa phương phản đối gay gắt. 

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nhiều người đang bối rối hoặc không nghe theo các chỉ dẫn là số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, kể cả ở những nơi đã thắt chặt qui định.

Bồ Đào Nha áp đặt hạn chế mới vào tháng trước, nhưng lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày hôm 8/10 kể từ tháng 4. Ở miền bắc nước Anh, qui tắc mới được đặt ra rồi lại gạt đi, khiến người dân bối rối. 

Israel, quốc gia duy nhất ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai. Hỗn loạn và một loạt cuộc biểu tình xảy ra do người dân coi đây là quyết định mang tính chính trị thay vì y tế.

Anh dự kiến công bố các biện pháp cứng rắn hơn vào 12/10, nhiều trong số đó tập trung vào hạn chế với các cơ sở bán rượu. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã thách thức chính phủ đưa ra bằng chứng khoa học cho thấy việc đóng cửa quán rượu sớm giúp giảm lây nhiễm. Ngay cả các cố vấn cho chính phủ Anh cũng lúng túng trong việc giải thích một số biện pháp. 

Theo nghiên cứu của WHO tại một phần khu vực châu Âu cho thấy khoảng một nửa dân số đang "phát ngấy đại dịch", khi người dân tìm kiếm ít thông tin về virus, ít quan tâm đến rủi ro và ít sẵn sàng tuân theo các chỉ dẫn hơn.

Hàng nghìn người (đại diện khoảng 10% công chúng) đã biểu tình gần đây ở Berlin và London gọi đại dịch là một trò lừa bịp và âm mưu do chính phủ dàn dựng. Khoảng một nửa dân số Đức "lưỡng lự" với việc thể tiếp nhận các qui định. Tuy nhiên, các chính sách mới rời rạc của các chính phủ gây ra sự thất vọng.

Pháp đặt nhiều khu vực đô thị lớn vào tình trạng báo động tối đa khi thấy các giường bệnh đã phải sử dụng hết, bao gồm Lyon, Grenoble, Lille và Saint-Etienne cùng với Paris, Marseille và Aix-en-Provence. Cư dân Toulouse hôm 9/10 đã biểu tình vì lo sợ thành phố của họ cũng bị áp đặt tương tự.

Tại Đức, lo ngại rằng phong tỏa lần hai sẽ phá hủy sự phục hồi kinh tế mong manh đã dẫn đến sự phản đối ngày càng gay gắt từ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Merkel tuần trước nói rằng bà không "muốn một tình huống như hồi mùa xuân lặp lại" - ám chỉ lệnh phong tỏa toàn quốc. Hôm 9/10, bà cảnh báo 10 ngày tới sẽ rất quan trọng.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 8,03 triệu ca nhiễm COVID-19, (chiếm hơn 1/5 tổng số ca nhiễm toàn cầu dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới), sau khi ghi nhận thêm 44.868 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 315 ca, nâng tổng số lên 220.010. Tổng số người phục hồi là hơn 5,17 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 64,3%).

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 2.635 ca ở California, 3.737 ca ở Texas, 1.533 ca ở Florida và 1.150 tại New York, Georgia ghi nhận thêm 902 ca, Illinois 2.742 ca.

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ đang có dấu hiệu tăng trở lại. 

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 13/10: Trung Quốc xét nghiệm toàn thành phố 9 triệu dân vì có ca nhiễm - Ảnh 2.

Tổng thống Trump trong sự kiện vận động ở thành phố Orlando, bang Florida, hôm 12/10. (Ảnh: AFP).

Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong nhiều ngày và "không gây lây nhiễm cho người khác", theo Reuters.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 7,17 triệu ca nhiễm và 109.894 ca tử vong, tăng lần lượt 54.045 và 710 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 86,7% với tổng 6,22 triệu người đã khỏi bệnh.

Số ca mắc mới trong 1 ngày qua tại nước này đã giảm nhưng vẫn là con số cao nhất thế giới. Ấn Độ hiện xếp thứ 3 về tổng số người tử vong vì COVID-19, chỉ thấp hơn Mỹ, Brazil. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 8.429 và 203 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 5,10 triệu và 150.709 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 4,49 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 88,0%. 

Số ca nhiễm mới báo cáo mỗi ngày tại nước này đang giảm mạnh. Giới chuyên gia Brazil nhận định rằng các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch.

Bang Rio de Janeiro đã khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế, các hoạt động thể thao ngoài trời, cũng như cho phép học sinh các cấp trở lại lớp học, theo Reuters.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 13.592 ca mắc và 125 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,31 triệu trường hợp, trong đó 22.722 trường hợp tử vong, và 1,02 người hồi phục (đạt 77,8%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang tăng cao.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 21 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 57 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.578 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.714 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Giới chức y tế Trung Quốc đặt mục tiêu xét nghiệm COVID-19 hơn 9 triệu dân ở thành phố cảng Thanh Đảo trong 5 ngày, sau khi ghi nhận 6 ca nhiễm mới tại thành phố này hôm 11/10, bắt nguồn từ một bệnh viện. Đây là cuộc xét nghiệm hàng loạt đầu tiên trong nhiều tháng tại Trung Quốc, theo AFP.

Hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đã đi du lịch trong "Tuần lễ Vàng" tuần qua, các cuộc xét nghiệm diện rộng và lệnh phong tỏa nhanh chóng đã ngăn được làn sóng COVID-19 thứ hai.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 98 ca mắc mới, trong đó có 69 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 24.703 ca, trong đó có 433 trường hợp tử vong và 22.729 người đã hồi phục (92,0%).

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc có tăng nhưng vẫn ở mức 2 con số ngày thứ 5 liên tiếp. 

Hàn Quốc đã giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội ở Cấp độ 2 hiện tại xuống Cấp độ 1 trên toàn quốc, thep Yonhap.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 13/10: Trung Quốc xét nghiệm toàn thành phố 9 triệu dân vì có ca nhiễm - Ảnh 3.

Một trẻ em đeo khẩu trang đang vui chơi tại một công viên ở Gwangju, cách thủ đô Seoul 320 km về phía nam, ngày 12/10. (Ảnh: Yonhap).

Bên cạnh đó, từ ngày 13 /11, chính phủ có kế hoạch phạt 100.000 won (tương đương 87 USD) đối với những người không đeo khẩu trang ở những nơi đông người hoặc trên phương tiện giao thông công cộng.

Như Ý