Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 10/1: Mỹ nghi có biến chủng nCoV mới khiến dịch bùng phát chưa từng thấy
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (9/1) có thêm một ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.513 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.634.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.361/1.513 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 8 ca, số ca âm tính lần ba là 8 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 90,04 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,93 triệu người tử vong và 64,44 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).
Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 22,66 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 218.916 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.891 ca, nâng tổng số lên 381.136. Tổng số người phục hồi là hơn 13,37 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%).
Số ca nhiễm mới, và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục tăng cao chưa từng thấy, tốc độ lây nhiễm tăng gần gấp đôi con số của đợt dịch hồi mùa xuân và mùa hè năm ngoái, khiến hệ thống y tế nước này bị quá tải, thậm chí một số bệnh viện ngừng nhận những bệnh nhân COVID-19 có cơ hội sống sót thấp.
Nhà Trắng cho biết số ca bệnh tăng vọt tại Mỹ trong thời gian qua có thể do một biến chủng nCoV mới xuất hiện, bên cạnh biến chủng từ Anh, có tốc độ truyền nhiễm cao hơn 50% và đang lây lan trong cộng đồng, đồng thời cảnh báo đại dịch có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu không tăng cường các biện pháp ứng phó, theo NBC News.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,45 triệu ca nhiễm và 151.048 ca tử vong, tăng lần lượt 18.813 và 213 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,07 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 60,078 và 1.115 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,07 triệu và 202.657 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,14 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Nước này đang trải qua đợt dịch thứ hai tồi tệ hơn khi số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đều tăng vọt trên khắp đất nước.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 23.309 ca mắc và 470 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,37 triệu trường hợp, trong đó 61.381 trường hợp tử vong, và hơn 2,75 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần.
Anh, một trong những quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất tại châu Âu, đã phải lần thứ ba áp dụng biện pháp phong tỏa, yêu cầu mọi người dân ở yên trong nhà, trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại đây tăng cao chưa từng thấy sau các kỳ nghỉ cuối năm.
Tại Pháp, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, dịch bệnh đang phát triển mạnh hơn ở một số khu vực.
Hiện 23/101 tỉnh của Pháp phải thực hiện lệnh giới nghiêm dài hơn từ 18h - 6h, thay vì từ 20h như trước đây, phần lớn là các tỉnh miền Đông và Đông Nam, nơi tốc độ lây nhiễm tăng mạnh và 21 ca nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 mới từ Anh đã được phát hiện trong một ngày qua, theo TTXVN.
Chiến lược tiêm chủng của nước này đang khởi đầu chậm chạp để đảm bảo an toàn, nhưng sẽ tăng tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 từ tuần tới.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nội địa (14 ca ở tỉnh Hà Bắc, ba ca ở Liêu Ninh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.364 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 82.195 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi. Nước này đang tăng cường các hạn chế phòng chống COVID-19 trong dịp Tết nguyên đán.
Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến bắt đầu chương trình tiêm vắc xin COVID-19 vào dịp Tết hoặc sau Tết âm lịch, theo TTXVN.
Hiện Hong Kong đã mua được vắc xin của các nhà sản xuất Sinovac Biotech, BioNTech-Fosun Pharma và AstraZeneca/Oxford.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 641 ca mắc mới, với 596 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 67.999 ca, trong đó có 1.100 trường hợp tử vong, và 49.324 người đã hồi phục (70%).
Quá trình lây lan virus tại Hàn Quốc đang chậm lại do các hạn chế phòng dịch cứng rắn hơn được áp dụng, theo Yonhap.
Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết dịch bệnh nước này đã đạt đỉnh dịch và đang chững lại, nhưng cảnh báo số ca bệnh có thể tăng trở lại bất cứ lúc nào.
Iran, vùng dịch lớn thứ 15 thế giới, cấm nhập khẩu vắc xin COVID-19 do Anh và Mỹ sản xuất vì cho rằng những loại thuốc trên không đáng tin cậy. Nước này đang phát triển một số vắc xin nội địa, dự kiến vắc xin đầu tiên sẽ sẵn sàng từ mùa xuân và hai đến ba loại khác sẽ hoàn thành trong mùa hè, theo AFP.