|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 11/1: Nhật phát hiện biến chủng mới khác với tại Anh và Nam Phi

07:56 | 11/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 11/1 có những tin đáng chú ý như Đức có thể sắp bước vào giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, Nga xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng nCoV mới từ Anh.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (10/1) có thêm một ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.514 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.634.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.361/1.514 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 8 ca, số ca âm tính lần ba là 8 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 90,65 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,94 triệu người tử vong và 64,78 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Hôm 7/1, CNBC dẫn kết quả nghiên cứu hiệu quả của vắc xin COVID-19 đối với biến chủng nCoV mới, cho thấy đột biến N501Y (loại đột biến được cho là giúp virus lẩn tránh được miễn dịch do vắc xin COVID-19 tạo ra) không kháng lại phản ứng miễn dịch của vắc xin Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý các mẫu virus được thử nghiệm không bao gồm toàn bộ biến chủng lây lan nhanh ở Anh hay Nam Phi.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 22,9 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 201.297 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.743 ca, nâng tổng số lên 383.226. Tổng số người phục hồi là hơn 13,46 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%).

Số ca nhiễm mới, và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục tăng cao chưa từng thấy.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,46 triệu ca nhiễm và 151.198 ca tử vong, tăng lần lượt 16.085 và 150 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,09 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 29.792 và 483 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,1 triệu và 203.140 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,16 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Nước này đang trải qua đợt dịch thứ hai tồi tệ hơn khi số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đều tăng vọt trên khắp đất nước.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 22.851 ca mắc và 456 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,4 triệu trường hợp, trong đó 61.837 trường hợp tử vong, và hơn 2,77 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 11/1: Nhật phát hiện biến chủng virus mới khác với tại Anh và Nam Phi - Ảnh 1.

Biển chủng mang tên B117 được cho là đã xuất hiện lần đầu ở miền đông nam nước Anh vào cuối năm ngoái. (Ảnh: TASS).

Hôm qua, Moscow đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng nCoV mới từ Anh (B117), mặc dù các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh đã bị đình chỉ từ tháng 12/2020. Ca bệnh là một người trở về từ Anh, theo AFP.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo những tuần tiếp theo của mùa đông có thể là giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, các bệnh viện trên toàn quốc đang làm việc hết công suất khi số ca bệnh và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tiếp tục tăng cao chưa từng thấy tại đây. Bà nói thêm rằng các số liệu lây nhiễm hiện tại chưa phản ánh ảnh hưởng của các dịp lễ cuối năm, số ca nhiễm có thể sẽ còn tăng. 

Bên cạnh đó, bà Merkel cam kết sẽ tăng cường chương trình tiêm chủng vốn bị chỉ trích là có khởi đầu chậm chạp. Tới nay đã có hơn 500.000 người được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech, theo AFP.

Đức trước đó đã tăng cường thêm các biện pháp chống dịch, theo đó hạn chế các tiếp xúc xã hội và hỗ trợ các bệnh viện. Các trường học và cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, các cơ sở văn hóa và giải trí đã buộc phải đóng cửa cho tới ít nhất ngày 31/1, theo TTXVN.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 69 ca nhiễm mới, trong đó có 48 ca nội địa (46 ca ở tỉnh Hà Bắc, một ở thành phố Bắc Kinh, một ở Liêu Ninh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.433 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 82.211 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Thủ tướng Lý Khắc Cường yêu cầu giới chức nước này không che giấu hay giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 trong các báo cáo, nhấn mạnh sự minh bạch là yếu tố cần thiết giúp kiểm soát đại dịch trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối phó với ổ dịch mới ở tỉnh Hà Bắc, theo SCMP.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 665 ca mắc mới, với 631 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 68.664 ca, trong đó có 1.125 trường hợp tử vong, và 50.409 người đã hồi phục (70%).

Các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Hàn Quốc đạt mức 600 trong ngày thứ ba liên tiếp, theo Yonhap.

Giới chức cho biết dịch bệnh nước này đã đạt đỉnh và đang chững lại, và kêu gọi người dân hủy mọi cuộc họp, cuộc hẹn trong tuần này và hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Hôm qua, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID) cho biết nước này đã phát hiện biến chủng virus SARS-CoV-2 mới khác với tại Anh và Nam Phi trên 4 hành khách đến từ Brazil. Chủng mới có nhiều điểm giống với chủng virus có nguồn gốc từ Anh và Nam Phi. 

Hiện vẫn chưa xác định được khả năng lây nhiễm và kháng vắc xin của biến thể trên. NIID đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chủng mới này.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba tồi tệ nhất, một số thành phố như Osaka, Hyogo, Kyoto cùng kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp tại đây. 

Như Ý