Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 1/9: Thế giới gần 18 triệu ca phục hồi, Việt Nam 3 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng
Ngày thứ 3 Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng:
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (1/9) Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 nào, đây là sáng thứ 11 liên tiếp không có ca bệnh. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.044 trường hợp. Như vậy, Việt Nam bước vào ngày thứ 3 không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Các ổ dịch Đà Nẵng, Hải Dương cơ bản được kiểm soát.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày trong cộng đồng tại Việt Nam đang giảm dần.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 55.370.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 707/1.044 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 29 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 72 ca, số ca âm tính lần 3 là 36 ca. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 34 ca.
Thời gian gần đây, Việt Nam có số ca được chữa khỏi nhiều hơn số ca mắc mới ghi nhận thêm mỗi ngày.
Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ cao nhất thế giới, Trung Quốc mở lại các trường đại học
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 1/9, toàn thế giới có tổng cộng 25,61 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 854.211 người tử vong và 17,91 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69,9%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,21 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 24,25% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 37.172 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 485 ca, nâng tổng số lên 187.709. Tổng số người phục hồi là hơn 3,45 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 55,5%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang giảm dần.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 1.885 ca ở Florida, 3.501 ca ở Texas và 6.156 ca ở California. Một số bang khác cũng đang nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 1.498 ca, Illinois 1.668 ca.
Theo Guardian, hôm 30/8, Stephen Hahn, người đứng đầu Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố chuẩn bị cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 dù chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn III trên hàng nghìn người.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 48.590 và 619 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 3,91 triệu và 121.515 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,09 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 79,0%.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 3,68 triệu ca nhiễm và 65.435 ca tử vong, tăng lần lượt 68.770 và 818 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 76,9% với tổng 2,83 triệu người đã khỏi bệnh.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh. Ấn Độ đã vượt Mexico trở thành nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil. Số ca tử vong ghi nhận trong 24 giờ qua của nước này cao nhất thế giới, vượt cả Mỹ và Brazil.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không bình luận về mức tăng ca nhiễm mới, nhưng kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, CNA dẫn lời Thủ tướng phát biểu trên đài phát thanh hôm 30/8.
Thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus, nhưng dịch đang có xu hướng gia tăng tại các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 4.993 ca mắc và 83 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 995.319 trường hợp, trong đó 17.176 trường hợp tử vong, và 809.387 người hồi phục (đạt 81,3%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.
Đây là ngày thứ 66 liên tiếp số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko hôm qua cho biết sẽ bắt đầu tiêm chủng hàng loạt cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao vào tháng 11-12.
Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 647.166 ca, trong đó có 28.788 ca tử vong, và 455.457 người hồi phục (70,3%).
Số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng cao.
Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 627.041 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 14.149 số ca bình phục là 540.923 (86,2%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong ghi nhận mỗi ngày tại nước này đang giảm mạnh.
Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 8 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 595.841 ca, trong đó có 64.158 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 412.580 người hồi phục (69,2%).
Số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.048 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.177 (94,2%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập). Như vậy nước này trong 15 ngày qua đều không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Theo Reuters, các trường đại học Trung Quốc đã mở lại lớp học trực tiếp cho học kì mùa thu này với các qui định nghiêm ngặt, hệ thống giám sát "kiểm soát đại dịch" dựa trên công nghệ nhận dạng gương mặt, truy vết tiếp xúc và kiểm tra thân nhiệt để áp dụng với sinh viên.
Đối với Vũ Hán, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, sẽ mở lại toàn bộ trường học và nhà trẻ vào 1/9.
Chính quyền thành phố cho biết họ đã vạch ra các kế hoạch khẩn cấp để chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến nếu mức độ rủi ro liên quan đến COVID-19 thay đổi.