|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 1/8: Đà Nẵng có thêm 12 ca mới, Tổng thống Philippines cam kết tiêm vắc xin miễn phí

07:34 | 01/08/2020
Chia sẻ
Tính đến 6h sáng nay, thế giới đã vượt xa mốc 17 triệu ca mắc COVID-19. Bang Florida, Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao kỉ lục. Việt Nam có thêm 12 ca nhiễm mới trong cộng đồng đều ở Đà Nẵng.

Thêm 12 ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng, Việt Nam có 558 ca bệnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 2/8

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (1/8) Việt Nam đã ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng. Trong các ca nhiễm mới, chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng, hoặc trường hợp tiếp xúc gần BN461. Hiện Việt Nam có 558 ca bệnh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 91.462.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 1/8: Tổng thống Brazil "mốc phổi" sau khi mắc virus corona - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 373/558 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 66,8% tổng số ca bệnh.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện có 14 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 169 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19. Số ca tử vong: 2 ca.

Số ca nhiễm ở Mỹ vượt xa mốc 4 triệu, Tổng thống Philippines cam kết tiêm vắc xin miễn phí, ưu tiên người nghèo

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 1/8, toàn thế giới có tổng cộng 17.727.757 ca mắc COVID-19, trong đó có 681.936 người tử vong và 11.142.804 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh và đạt đỉnh vào hôm 29/7 vừa qua với con số 290.674 ca mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa mốc 4 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.700.571 (chiếm 26,53% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 65.586 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.416 ca, nâng tổng số lên 156.701.

Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ đều báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 9.007 ca ở Florida, 6.771 ca ở Texas và 7.058 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 4.066 ca, Arizona 3,212 ca, Tennessee 3.088 ca. Florida trong 24 giờ qua tiếp tục lập kỉ lục ngày thứ ba liên tiếp về số ca tử vong cao kể từ khi dịch xuất hiện với 256 trường hợp.

Theo Navy Times, hải quân Mỹ phát hiện một số lượng nhỏ thủy thủ tàu sân bay George H.W. Bush dương tính với COVID-19 sau đợt xét nghiệm gần đây, song không thông báo số ca nhiễm. Hiện các thuỷ thủ nhiễm bệnh đang được cách li tại nhà riêng ở bang Virginia.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 48.696 và 1.098 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.662.485 và 92.475.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng nhanh.

Theo Reuters, Tổng thống Jair Bolsonaro cho hay trong một video livestream hôm 30/7, ông bị nhiễm trùng và có nấm mốc trong phổi sau khi mắc COVID-19 và đang dùng kháng sinh.

Bolsonaro xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 7/7 và đã hồi phục sau khi cho kết quả âm tính lần thứ tư hôm 25/7. Ông cho biết đã sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và thuốc phát huy công hiệu.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 1/8: Tổng thống Brazil "mốc phổi" sau khi mắc virus corona - Ảnh 2.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại lễ hạ cờ ở Điện Alvorada, thủ đô Brasilia, Brazil, hôm 24/7. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 1.696.780 ca nhiễm và 36.551 ca tử vong, tăng lần lượt 57.430 và 765 so với ngày hôm trước.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới của Ấn Độ càng ngày càng tăng và lại xác nhận kỉ lục mới trong 24 giờ qua kể từ khi dịch xuất hiện. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Itali, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 5 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Anh, và Mexico.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.482 ca mắc và 161 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 839.981 trường hợp, trong đó 13.963 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.

Đây là ngày thứ 36 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.

Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 493.183 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 8.005.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng khá nhanh.

Mexico đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 416.179 ca, trong đó có 46,000 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này đang trên đà tăng.

Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.292 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.974 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Trung Quốc tăng mạnh liên tiếp trong bốn ngày qua.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 123 ca nhiễm nội địa (112 ca ở khu tự trị Tân Cương, 11 ca ở Liêu Ninh) và 4 ca ngoại nhập (1 ca ở thành phố Thiên Tân, 3 ca ở tỉnh Quảng Đông. Và 1 trường hợp nghi nhiễm (ngoại nhập ở thành phố Thượng Hải)

Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng 7, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện ở thành phố Đại Liên.

Theo Reuters, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 9 trong một năm do rủi ro từ COVID-19.

Anh có tổng số ca mắc COVID-19 là 303.181 ca nhiễm và 46.119 ca tử vong, tăng lần lượt 880 và 120 so với ngày hôm trước.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới ngày và tử vong tại Anh đang giảm dần. Tuy nhiên, Anh vẫn đang là nước có tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 cao thứ 3 thế giới.

Theo Telegraph, Thủ tướng Anh Johnson yêu cầu các vùng phía bắc đất nước tái phong tỏa một phần trong bối cảnh lo ngại về làn sóng COVID-19 thứ hai.

Người dân ở Greater Manchester, Bradford, Blackburn và nhiều khu vực khác ở miền bắc nước Anh bị cấm tụ tập trong nhà với các gia đình khác từ đêm 30/7.

Quyết định này được đưa ra sau khi dữ liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho thấy các ca nhiễm nCoV đã đạt mức "đáng lo ngại" ở các khu vực tại Lancashire và Yorkshire.

Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai khu vực ASEAN, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 4.063 ca nhiễm mới và 40 ca tử vong, nâng tổng số lên 93.354 ca nhiễm, trong đó có 2.023 người tử vong.

Số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này tăng vọt trong 2 ngày qua và tiếp tục lập kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát. 

Theo Reuters, Tổng thống Philippines tuyên bố duy trì các hạn chế ngăn COVID-19 tại thủ đô Manila đến giữa tháng 8, khi ca nhiễm mới tăng cao nhất Đông Nam Á.

Thủ đô Manila và các tỉnh phía nam và một số thành phố miền trung Philippines đang áp đặt các biện pháp cách li một phần, trong đó hạn chế người cao tuổi và trẻ nhỏ ra ngoài, và giới hạn hoạt động của các cơ sở kinh doanh.

Ông Duterte cam kết sẽ tiêm vắc xin miễn phí nếu có sẵn vào cuối năm nay, trong đó sẽ ưu tiên người nghèo, tới tầng lớp trung lưu, cảnh sát và quân nhân. Ông cũng nói Philippines sẽ được Trung Quốc ưu tiên phân phối vắc xin khi có.

Nước này đã lên kế hoạch mua 40 triệu liều vắc xin với giá trị khoảng 400 triệu USD dành cho 20 triệu người - khoảng 1/5 dân số đất nước.

Bên cạnh đó, theo nytimes, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 31/7 khuyên người dân hãy khử trùng khẩu trang bằng xăng, và khẳng định ông không hề đùa.

Như Ý