|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 28/2: Anh thay đổi chiến lược tiêm vắc xin

06:55 | 28/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 28/2 có những tin đáng chú ý như Hàn Quốc có 15 trường hợp phản ứng bất thường với vắc xin AstraZeneca, New Zealand tái phong toả thành phố lớn nhất, Anh thay đổi chiến lược tiêm vắc xin.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (28/2) không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.530 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 837 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 63.054.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 1.844 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 32 ca; số ca âm tính lần hai là 50 ca, số ca âm tính lần ba là 100 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 114,35 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,53 triệu người tử vong và 89,87 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 78%). Số ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch trên thế giới giảm liên tục trong nhiều tuần.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,19 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 61.562 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.515 ca, nâng tổng số lên 524.631. Tổng số người phục hồi là hơn 19,62 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%).

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang có xu hướng giảm trong hơn một tháng qua.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,09 triệu ca nhiễm và 157.087 ca tử vong, tăng lần lượt 17.346 và 117 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,77 triệu người đã khỏi bệnh.

Các ca nhiễm mới tại đây có sự tăng nhẹ do các ca bệnh đến từ bang Maharashtra, Kerala, Chhattisgarh, Punjab và Madhya Pradesh.

Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng Ấn Độ có thể đang ở bên bờ vực của đợt đại dịch COVID-19 thứ hai khi nhiều người dân không thực hiện các quy định phòng dịch, theo Mint.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 59.438 và 1.233 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,51 triệu và 254.221 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,35 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất. Số người tử vong vì đại dịch cũng duy trì ở mức cao.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 11.534 ca mắc và 439 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,23 triệu trường hợp, trong đó 85.743 trường hợp tử vong, và hơn 3,79 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Qua một nghiên cứu gần đây, Trung tâm Gamaleya hôm qua cho biết việc tiêm nhắc lại vắc xin Sputnik V của Nga giúp chống các biến thể nCoV mới, bao gồm chủng từ Anh và Nam Phi, "một cách rất hiệu quả", theo Reuters.

Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, sẽ thay đổi chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 trong những tháng tới, theo đó chiến dịch tiêm chủng sẽ dựa vào nhóm độ tuổi thay vì xét những nhóm nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh, đây là chiến lược được cho là đơn giản hơn, sẽ giúp đẩy nhanh tốc độc tiêm chủng, theo TTXVN.

Tuy nhiên, quyết định này đang làm dấy lên những tranh cãi trong lực lượng cảnh sát và giáo viên, những nhóm đối tượng được cho là phải nằm trong diện ưu tiên vì có nguy cơ lây nhiễm cao.

Anh đang đặt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho tất cả những người trên 50 tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vào giữa tháng 4, sau đó sẽ chuyển thứ tự ưu tiên sang các nhóm trên 40 và tiếp theo là 30 tuổi. Nhóm trên 18 tuổi sẽ được tiêm cuối cùng.  

Cho đến nay, nước này đã tiêm vắc xin COVID-19 cho 19 triệu người, trong đó 35% trong tổng số nhóm người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều và theo kế hoạch sẽ hoàn tất chương trình tiêm chủng cho toàn dân vào cuối tháng 7.

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại đây đã giảm liên tục trong hơn một tháng qua.

Reuters đưa tin New Zealand sẽ áp lệnh hạn chế cấp độ 3, phong tỏa Auckland, thành phố lớn nhất nước này, trong 7 ngày từ ngày 28/2 sau khi ghi nhận một ca bệnh mới trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. 

Các khu vực còn lại của nước này cũng áp lệnh hạn chế cấp độ hai, trong đó cấm tụ tập nơi công cộng.

New Zealand trước đó trải qua hơn hai tháng không xuất hiện ca nhiễm mới cho tới cuối tháng 1 và đã bắt đầu tiêm chủng cho 5 triệu dân từ ngày 20/2. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 12 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.887 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.021 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 415 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 89.321 ca, trong đó có 1.595 trường hợp tử vong, và 80.333 người đã hồi phục (89%).

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc vẫn ở mức trên 400 trong ngày thứ hai của đợt tiêm chủng hàng loạt, khi các ca nhiễm lẻ tẻ tiếp tục được phát hiện trên khắp đất nước, theo Yonhap.

KDCA đã xác định 15 trường hợp phản ứng bất thường với vắc xin AstraZeneca, tất cả đều là những triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như đau đầu. Không có trường hợp nào như vậy được báo cáo trong số những người được tiêm vắc xin Pfizer.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.