|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 13/2: Ca bệnh mới trên toàn cầu trong tháng qua giảm kỷ lục 44,5%

07:53 | 13/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 hôm nay 13/2 có những tin đáng chú ý như Malaysia tiêm vắc xin miễn phí cho người nước ngoài, EC cấp phép xuất khẩu vắc xin cho tất cả các nước đề nghị.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (13/2) không có ca mắc mới COVID-19 nào được ghi nhận.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.248 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 555 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 129.098.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.531 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 39 ca; số ca âm tính lần hai là 12 ca, số ca âm tính lần ba là 9 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 108,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,39 triệu người tử vong và 80,71 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). 

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Ca bệnh mới trên toàn cầu ghi nhận trong tháng qua giảm 44,5%, đây là mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, theo AFP.

Số ca nhiễm mới trong một tuần qua giảm 24% ở Mỹ và Canada, 20% ở châu Phi, 18% ở châu Á, 15% ở châu Âu, 10% ở Mỹ Latinh và Caribe, 2% ở Trung Đông, trong khi châu Đại Dương chỉ ghi nhận trung bình 12 trường hợp/ngày.

Sự sụt giảm diễn ra gần như ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là những nước đang đặt lệnh phong tỏa. Ở Bồ Đào Nha, ca bệnh mới trong tuần qua giảm 54%, Israel giảm 39%. Israel bắt đầu nới lỏng phong tỏa từ hôm 7/2, đây là quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới khi 44% dân số đã tiêm một liều và 28% đã tiêm hai liều.

Nước có mức giảm mạnh thứ ba là Tây Ban Nha, 39%, tiếp theo là Nam Phi (37%), Colombia (35%) và Nhật Bản (35%).

Trong khi đó, ca mới tăng mạnh nhất trong tuần qua là 81% ở Iraq, theo sau là Jordan (tăng 34%), Hy Lạp (29%), Ecuador (21%) và Hungary (16%).

Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép xuất khẩu vắc xin COVID-19 cho tất cả các nước đề nghị, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, theo TTXVN.

Từ khi bắt đầu áp dụng cơ chế giám sát xuất khẩu vắc xin hôm ngày 30/1 đến nay, EU đã thông qua 37 giấy đăng ký xuất khẩu vắc xin sang 21 nước.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,09 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 88.873 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.530 ca, nâng tổng số lên 492.143. Tổng số người phục hồi là hơn 18,01 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 64%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ giảm liên tục trong thời gian gần đây, tuy nhiên các con số vẫn đang ở mức cao.

CDC Mỹ ra khuyến cáo mới, kêu gọi các trường học mở cửa trở lại một cách an toàn và càng sớm càng tốt, đồng thời khuyến nghị tiêm chủng cho giáo viên và nhân viên nhà trường ngay khi có nguồn cung, theo AFP.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,89 triệu ca nhiễm và 155.588 ca tử vong, tăng lần lượt 12.137 và 104 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,59 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 49.396 và 1.204 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 9,76 triệu và 237.601 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 8,67 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%. Nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 15.089 ca mắc và 507 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,04 triệu trường hợp, trong đó 79.194 trường hợp tử vong, và hơn 3,55 triệu người hồi phục (đạt 88%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 13/2: Ca bệnh mới trên toàn cầu trong tháng qua giảm kỷ lục 44,5% - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Nguồn: TASS).

Vắc xin Sputnik V của Nga đã được 27 quốc gia trên thế giới chấp thuận. Nước này cũng đã phê duyệt sơ bộ việc sản xuất vắc xin này tại Serbia.

Hungary đã bắt đầu sử dụng vắc xin Sputnik V trong đợt tiêm chủng COVID-19 của mình, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp nước này không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.748 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.292 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 403 ca mắc mới, với 384 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 82.837 ca, trong đó có 1.507 trường hợp tử vong, và 72.936 người đã hồi phục (88%). 

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Hàn Quốc giảm trở lại, có vẻ như do ít xét nghiệm hơn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng giới chức y tế vẫn cảnh giác về khả năng gia tăng ca bệnh sau kỳ nghỉ lễ, theo Yonhap.

Các nhà ngoại giao, người nước ngoài, sinh viên, gia đình người nước ngoài đang sinh sống tại Malaysia, người lao động nước ngoài, bao gồm cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp sẽ được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng quốc gia của nước này, theo TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Malaysia vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí đang trở nên đáng quan ngại hơn.

Như Ý

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.