Cạnh tranh khốc liệt trong ngành sơn: Cuộc đua giành thị phần của doanh nghiệp nội
Ngành sơn và chất phủ tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt chưa từng có. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng, thị trường sơn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, từ 383 triệu USD năm 2018 dự kiến tăng lên 459 triệu USD vào năm 2022, theo Báo cáo Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam - VPIA.
Tuy nhiên, phía sau những con số tích cực ấy là bức tranh không mấy cân bằng: các doanh nghiệp trong nước chỉ nắm giữ 35% thị phần, trong khi các thương hiệu có vốn đầu tư nước ngoài áp đảo với hơn 65%.
Sự hiện diện của những “ông lớn” như AkzoNobel, Nippon, Jotun, và Toa với công nghệ sản xuất hiện đại, hệ thống sản phẩm đa dạng và chiến lược bài bản khiến nhiều doanh nghiệp nội địa chật vật duy trì vị thế.
Dẫu vậy, cuộc chơi chưa bao giờ dừng lại. Một số doanh nghiệp trong nước đã tìm cách chuyển mình, thay đổi chiến lược để không chỉ tồn tại, mà còn khẳng định giá trị trong một thị trường đầy biến động.
Tại một sự kiện mới diễn ra gần đây tại Sài Gòn, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Sơn Hoà Bình - một hãng sơn 30 năm tuổi, thừa nhận họ phải thay đổi. “Mỗi ngày, chúng tôi không ngừng tìm tòi nghiên cứu, không chỉ trong kỹ thuật sản xuất và chất lượng sản phẩm, mà còn trong cách ứng dụng linh hoạt từ thi công đến kinh doanh và thương mại”, vị CEO chia sẻ.
Ông Huy cho biết đánh dấu cho nỗ lực này, Sơn Hoà Bình đổi tên định danh, nâng cấp nhận diện thương hiệu và tập trung mở rộng lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất - thi công - kinh doanh sang sản xuất - gia công - thi công - kinh doanh.
Từ năm 2018, Sơn Hoà Bình xây dựng nhà máy với quy mô công suất 8.000 tấn/năm và tiếp tục nâng lên 25.000 tấn/năm trong vòng 5 năm tiếp theo. Ngoài các dòng sản phẩm truyền thống như sơn đá Hodastone, sơn nền Mastic, công ty còn giới thiệu bộ sưu tập sơn nước mới.
Đây được đánh giá là một bước tiến quan trọng, mở rộng thị trường từ các sản phẩm chuyên dụng sang dòng sơn nước phổ thông, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh Sơn Hòa Bình, các doanh nghiệp nội địa khác cũng đang nỗ lực khẳng định vị thế và mở rộng thị phần. Chẳng hạn, Sơn Hải Phòng được thành lập từ năm 1960 và hoàn thành cổ phần hóa năm 2004, đây là một trong những tên tuổi lớn trong ngành sản xuất sơn tại Việt Nam.
Công ty tập trung vào các dòng sản phẩm chuyên biệt như sơn tàu biển, sơn giao thông, sơn công trình công nghiệp, và sơn chống cháy SHP WB. Trong đó, dòng sơn mạ kẽm AC-ZN của hãng đã giúp công ty ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường.
Hay Sơn Đông Á, với 15 năm phát triển, là một trong những doanh nghiệp nội địa đi đầu trong lĩnh vực sơn nước. Sử dụng công nghệ tiên tiến và nguồn nguyên liệu nhập khẩu chất lượng cao, các thương hiệu của công ty như Viglacera, Behr, và Bewin đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nước ngoài.
Tuy nhiên, doanh thu thuần của Đông Á đã giảm từ 150 tỷ đồng năm 2020 còn 130 tỷ đồng năm 2022, trong khi lợi nhuận sau thuế biến động mạnh, giảm gần 20 tỷ đồng từ năm 2021 đến năm 2022. Những con số này phản ánh thực tế rằng ngay cả những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc cũng phải đối mặt với những biến động lớn từ thị trường.
Báo cáo từ Vietdata cho thấy doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của các công ty trong ngành sơn đã phục hồi tốt trong năm 2022 sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà ở đang tạo ra động lực lớn cho ngành.
Việt Nam cũng có lợi thế nhờ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi nhiều nhà đầu tư quốc tế đang chuyển hướng sản xuất sang nước ta. Theo các chuyên gia kinh tế, ngành sơn nước tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng nhờ tỷ suất lợi nhuận tốt và sự phát triển bền lâu của thị trường.
Tuy nhiên, ngành sơn vẫn phải đối mặt với những thách thức từ xung đột chính trị toàn cầu, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, và áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh áp lực từ sự cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp nội địa còn đối mặt với vấn đề hàng giả, hàng nhái tràn lan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và lòng tin của người tiêu dùng.
Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp nội địa cần không ngừng đổi mới, tập trung vào công nghệ xanh và tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng.