Chuyên gia VPBankS: Bối cảnh vĩ mô đang tích cực, những chính sách khi ông Trump lên nắm quyền cần yếu tố thời gian
Bối cảnh vĩ mô tích cực, KQKD quý IV có tín hiệu khả quan
Theo ông Dương, có rất nhiều góc nhìn về sự kiện nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump. Trong đó, có hai chỉ báo thể hiện góc nhìn của nhà đầu tư về sự kiện này.
Thứ nhất, USD Index (DXY) trong 3 ngày gần đây có sự điều chỉnh giảm nhẹ, nghĩa là đã tạo đỉnh. Thứ hai, lợi suất trái phiếu 10 năm chính phủ Mỹ đã định ở mức 4,9% và đang có xu hướng giảm xuống khoảng 4,8%.
Khi tái đắc cử, ông Trump đã đưa ra những tuyên bố liên quan đến vấn đề thương mại, gây nên nhiều quan ngại. Nhưng theo Dương, nhà đầu tư cần phải theo dõi thêm.
“Việc ông Trump nhậm chức chưa chắc đã là ‘thiên nga đen’. Nếu nhà đầu tư thực sự lo ngại như vậy, các chỉ số nêu trên (DXY, lợi suất) sẽ phải phản ứng rất mạnh. Ở đây, có thể hiểu rằng nhà đầu tư đã đi trước và có phản ứng, dự phóng cho sự kiện này.
Cá nhân tôi cho rằng sau khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng, các chính sách thương mại sẽ được đưa ra thảo luận và được tiếp cận một cách từ từ, bình tĩnh hơn.”, ông Dương nói.
Về các chỉ số kinh tế Việt Nam, trong năm 2024, GDP tăng trưởng 7,1%, CPI chỉ tăng 3,63%, tốt hơn so với kế hoạch mà Quốc hội đề ra. Trong đó, tỷ trọng đóng góp chính cho kinh tế vẫn đến từ công nghiệp chế biến, chế tạo và khu vực dịch vụ. Ngoài ra, các yếu tố khác như tổng mức bán lẻ cũng không quá xuất sắc, nhưng tăng trưởng tương đối tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối cùng, các chỉ số về mặt du lịch đều có tăng trưởng đột phá. Chẳng hạn, tổng lượng khách du lịch khoảng 17,6 triệu lượt, bằng 98% so với thời kỳ trước COVID. Với những chỉ tiêu như vậy, nhà phân tích nhận định bức tranh vĩ mô về cơ bản là tích cực.
Thứ hai, tổng mức đầu tư của khối FDI vào Việt Nam trong năm 2024 tăng trưởng rất mạnh. Tổng số vốn đăng ký là gần 38 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 25 tỷ USD, đều tăng hai con số so với cùng kỳ.
Trong 9 lĩnh vực VPBankS theo dõi, mức tăng lợi nhuận quý IV/2024 có thể đạt 25 - 26% so với cùng kỳ. Xét riêng nhóm cổ phiếu đã hé lộ kết quả kinh doanh, đặc biệt nhóm vốn hóa lớn và ngân hàng, cho thấy triển vọng rất tích cực trong quý IV/2024.
Với một bức tranh tương đối tốt như vậy, bản thân thị trường Việt Nam sẽ có được động lực lớn từ yếu tố nội tại.
Chi tiết hơn về khởi đầu mùa báo cáo tài chính quý IV/2024, những đơn vị với vốn hóa lớn như BIDV, ACV, GVR, HDBank, TPBank, LPBank, NamABank hoặc nhóm dầu khí PVDrilling, PVTrans hay nhóm midcap như Dabaco... đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Tính riêng các mã có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, đến 17/1 đã có 33 đơn vị công bố kết quả kinh doanh với tổng vốn hóa khoảng 1,4 triệu tỷ, chiếm 20% vốn hóa HOSE, HNX và UPCoM. Số lượng doanh nghiệp còn ít, nhưng vốn hóa lại không hề nhỏ. Tổng mức lợi nhuận sau thuế năm 2024 của 33 doanh nghiệp này ước tính 104.641 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1%.
Thứ hai, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, với tổng vốn hóa 578.139 tỷ đồng, chiếm 8,1% vốn thị trường. Các ngân hàng đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý IV/2024 có tổng lợi nhuận 67.120 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Kết quả này lớn hơn đáng kể so với mức trung bình 9,1% của 33 doanh nghiệp ở trên.
Cuối cùng, phần lớn cổ phiếu vốn hóa lớn (hơn 10.000 tỷ đồng) có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. 13 đơn vị vốn hóa lớn trên có tổng lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 84.035 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
“Đây làm mức tăng trưởng rất tích cực, có thể tạo biến động cho VN-Index trong khoảng thời gian ngắn hạn sắp tới. Tôi tin rằng việc có khoảng 20 - 30% vốn hóa thị trường ghi nhận kết quả kinh doanh tốt là tín hiệu mở đầu rất tươi sáng cho nhà đầu tư.”, vị Giám đốc của VPBankS nhận định.
Chứng khoán thường khởi sắc sau Tết
Về thị trường chứng khoán, theo dõi trong vòng 5 năm vừa qua, chu kỳ giao dịch trước và sau Tết Âm lịch, thanh khoản thị trường thường thấp so với những tháng khác trong năm, đặc biệt quý II và quý III.
Thứ hai, VN-Index đang dao động trong một kênh tương đối rộng, từ khoảng 1.200 điểm cho tới 1.300 điểm. Với trạng thái kỹ thuật như vậy, khi chưa có sự bứt phá (break out) lên hoặc xuống, thanh khoản ở mức độ này theo ông Dương là bình thường.
Tuy nhiên, nếu quan sát dòng tiền, có cảm giác dòng tiền đang tìm đến động lực là kết quả kinh doanh quý IV/2024. Trong đó, VPBankS cũng theo dõi và thống kê rằng ngân hàng và chứng khoán là những ngành có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Nhìn lại quá khứ, vào năm Canh Tý (2020), trước Tết khoảng một tháng, thị trường tăng 3,3%, sau Tết giảm 8,9%. Đây là một năm đặc biệt vì có thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19.
Còn năm Nhâm Dần (2022) và Tân Sửu (2021), trong 22 phiên trước Tết, VN-Index giảm, nhưng đều có sự gia tăng tương đối đáng kể sau Tết. Với năm Tân Sửu, biến động giảm 4,5% trong 22 phiên trước Tết Nguyên đán là rất đáng kể, bởi hiện nay, VN-Index biến động cả năm mới chỉ đạt khoảng 12 - 14%.
Về xác suất, có 3/5 năm gần đây thị trường tăng sau Tết. Trong đó, có hai năm tăng rất mạnh (trên 4%). Vị chuyên gia lưu ý rằng Canh Tý là năm rất đặc biệt do COVID-19.
Nhìn một cách trực quan, biến động ngay sau Tết Âm lịch thường mang màu sắc tích cực hơn hơn. Để giải thích hiện tượng này, cá nhân ông Dương cho rằng có nhiều yếu tố.
Thứ nhất, trước một kỳ nghỉ Tết dài, dòng tiền thường có xu hướng tìm đến tiền gửi có kỳ hạn, để đảm bảo lợi ích tốt nhất.
Thứ hai, sau Tết, nhà đầu tư có tâm lý tương đối tích cực. Ngoài ra, đến khoảng tháng 2, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa họp ĐHĐCĐ bắt đầu, với nhiều thông tin hỗ trợ trong tháng 3, 4 và 5, giúp tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.
Còn về thanh khoản, hai tháng trước và sau Tết thường thấp hơn so với những tháng trước đó. Nếu trước tết có giao dịch sôi động thì thanh khoản sau Tết sẽ giảm.
VPBankS thống kê khối lượng giao dịch bình quân 22 phiên trước Tết so với tháng liền trước và 22 phiên sau Tết so với trước Tết. Theo đó, nếu tháng trước Tết có diễn biến sôi động, tích cực, làm cho thanh khoản tăng thì tháng sau Tết sẽ có xu hướng giảm trở lại. Ngược lại, nếu thanh khoản tháng trước Tết èo uột, rất thấp thì sau Tết sẽ tích cực trở lại.
Những nhóm ngành tiềm năng
Theo ông Dương, sau Tết Âm lịch, VN-Index sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn. VPBankS đánh giá rằng trong những ngành nghề dẫn dắt sẽ không thể thiếu nhóm ngân hàng.
Dự phóng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng vẫn duy trì như đầu năm, ở mức khoảng 15% cho năm 2024 và hơn 17% cho năm 2025.Những ngành có mức độ tương đối chắc chắn về khả năng lợi nhuận tăng tích cực bao gồm thép, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, chứng khoán…
Đối với bất động sản dân cư, VPBankS kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp so với cùng kỳ năm trước. Phần kỳ vọng tăng trưởng mạnh sẽ được đặt vào năm 2025 và những năm tiếp theo.Khi phân tích đủ 19 ngành nghề cấp 2, P/B toàn thị trường đang dao động từ 1,5 - 1,6 lần.
Năm 2024, hóa chất sở hữu mức ROE có thể tăng trưởng so với 2023. Ngành tài nguyên cơ bản, trong đó Hòa Phát chiếm tỷ trọng lớn, cũng được đánh giá tích cực.
Ngành xây dựng đang có biến động tích cực, đặc biệt ROE, ROA đang có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với ngành này, nhà đầu tư cần chọn lọc cổ phiếu, bởi sự phục hồi hoạt động kinh doanh vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, phụ thuộc nhiều vào các khoản hoàn nhập, thu nhập khác.
Ngành thực phẩm đồ uống được đánh giá tích cực. ROE vẫn ổn định, ghi nhận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng cá nhân và tiêu dùng; y tế cũng được đánh giá tích cực. Bán lẻ được đánh giá rất tích cực. Du lịch giải trí phục hồi tích cực, với ROE 2023 âm, nhưng năm 2024 phục hồi mạnh, chuyển từ mức âm sang dương với tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao.
Dịch vụ tài chính và ngân hàng được đánh giá tương đối tích cực. Nhà phân tích lưu ý, P/B ngành ngân hàng đang dao động khoảng 1,5 lần, tương đối hấp dẫn và hợp lý. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ROE hai con số trong năm 2024 thì mức định giá P/B sẽ phản ánh kết quả kinh doanh đó.
VPBankS dự báo một số ngành nghề sẽ dẫn dắt sự phục hồi của VN-Index, trong đó phải kể đến ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất…
Về ngành thép, ông Dương đánh giá xu hướng sẽ tích cực trong năm 2024 và 2025. Về cơ cấu lợi nhuận, giá đầu vào bao gồm quặng, than cốc… đang có sự điều chỉnh giảm tương đối sâu so với năm 2023. Giá sản phẩm đầu ra cũng giảm, nhưng không sâu như giá đầu vào, giúp cải thiện biên lợi nhuận ngành thép nói chung.
Thứ hai, với kỳ vọng trong năm 2025 về chính sách thuế, bảo hộ thương mại của Việt Nam đối với thép Ấn Độ, Trung Quốc cũng sẽ tạo nên kỳ vọng tích cực cho ngành thép.
Thứ ba, nhu cầu sử dụng thép trong nước sẽ có sự phục hồi đáng kể trở lại trong năm 2025, dựa trên nền thấp của 2023 - 2024 và sự phục hồi của thị trường BĐS cũng như việc đầu tư công được đẩy mạnh.