Chân dung 'ông lớn’ sở hữu 17 tuyến buýt tại Hà Nội vừa đầu tư đội hình mới, hoàn toàn bằng xe điện VinFast
Bảo Yến, đơn vị vận hành nhiều tuyến buýt ở Hà Nội vừa thông báo trên fanpage về việc dàn xe buýt điện mới đã có mặt tại trụ sở chính của công ty tại Đông Anh. Từ hình ảnh được công bố, đây chính là mẫu xe buýt mới do VinFast sản xuất, từng xuất hiện tại nhà máy của hãng tại Hải Phòng cuối năm 2024, mang tên Green Bus 8.
Như vậy, Hà Nội đã có thêm Bảo Yến khai thác xe buýt điện cùng với VinBus. “Vận tải hành khách công cộng Hà Nội chuyển mình, Bảo Yến đã sẵn sàng”, hãng vận tải nêu quan điểm khi chuyển sang dòng buýt điện.
Dòng buýt điện mà Bảo Yến đang vận hành có chiều dài 8,6m, nhỏ nhất trong 3 phiên bản xe buýt điện mà VinFast đang phát triển, bên cạnh các dòng 12m và 15m.
Để phù hợp cho nhu cầu vận tải công cộng, xe được thiết kế sàn thấp có hai cửa bên hông, tương tự như các mẫu xe buýt hiện nay. Phía trong xe được trang bị 24 ghế ngồi cùng với khu vực để xe lăn cùng ghế gấp linh hoạt.
Green Bus 8 được trang bị vị trí ngồi cao cho tài xế, có cửa ngăn và hệ thống điều khiển đơn giản với 2 bàn đạp ga và phanh. Các phím chức năng, bao gồm điều khiển âm thanh giải trí, được sắp xếp thuận tiện cho người lái.
Xe có hai màu chủ đạo là đen và xanh, phía đầu xe được trang bị logo quen thuộc của VinFast.
Bảo Yến là ai?
Công ty TNHH Du lịch, dịch vụ xây dựng Bảo Yến được thành lập vào tháng 4/2002, có trụ sở chính tại xã Nam Đồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Khi mới đi vào hoạt động, công ty có 7 phương tiện là xe ô tô có trọng tải từ 2,5 – 3,5 tấn với 12 người lao động. Công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng từ Đông Anh tới trung tâm thành phố Hà Nội.
Năm 2004, Bảo Yến đã đầu tư và phát triển thêm lĩnh vực xe taxi - cho thuê xe tự lái, xe phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Năm 2007, công ty bắt đầu vận hành 3 tuyến xe buýt ở Hà Nội gồm: 57 với lộ trình từ bến xe Nam Thăng Long – khu công nghiệp Phú Nghĩa; 58, khởi hành từ Yên Phụ đến Thạch Đà (Mê Linh); 59 từ Đông Anh đi Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Sau một thời gian hoạt động, Bảo Yến được Hà Nội giao vận hành một số tuyến xe buýt trên địa bàn như 60A, 60B, 76, 61,65…
Năm 2017, Bảo Yến chính thức đưa 30 phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đầu tiên tại Việt Nam thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu diezel trên các tuyến buýt số 60A và 61.
Năm 2018, công ty đã đưa vào vận hành 3 tuyến buýt CNG đầu tiên của thành phố Hà Nội gồm 157, 158 và 159. Giai đoạn sau đó, Bảo Yến liên tục đưa các xe sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG vào hoạt động.
Thông tin trên website, Bảo Yến hiện điều hành 17 tuyến buýt ở Hà Nội gồm 57,58,59,60A, 60B, 61, 65, 142,143,144, 157,158, 159,160,161,162,163.
Việc vận hành nhiều tuyến buýt giúp doanh thu của Bảo Yến ổn định, dao động 400 - 600 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022, theo báo Công thương. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại khá khiêm tốn, ví dụ năm 2022 doanh thu Bảo Yến đạt hơn 600 tỷ đồng nhưng chỉ lãi sau thuế 350 triệu đồng. Năm 2021, công ty ghi nhận hơn 360 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 23 triệu đồng.
Liên tục trúng những gói thầu lớn
Thông tin từ báo Công thương, năm 2023, Bảo Yến cùng lúc hai gói thầu vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội.
Cụ thể, Bảo Yến đã trúng gói thầu số 01 - cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho tuyến buýt số 61: Dục Tú (Đông Anh) - công viên Cầu Giấy. Giá trúng thầu là hơn 182 tỷ đồng, chỉ giảm 42 triệu đồng so với giá gói thầu, tương ứng tỷ lệ giảm giá 0,02%.
Tương tự, ở gói thầu số 05 - tuyến buýt số 65: Thụy Lâm (Đông Anh) - Long Biên, công ty Bảo Yến cũng dễ dàng thắng sau khi bỏ giá hơn 110 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 19 triệu đồng so với giá gói thầu, tiếp tục là tỷ lệ giảm giá với 0,018%.
Trở về năm 2021, Bảo Yến cũng đến 7 gói thầu tương ứng với 7 tuyến xe buýt có số hiệu từ 157 đến 163 trên địa bàn thành phố trong cùng một ngày. Là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ đăng ký, công ty Bảo Yến được lựa chọn là đơn vị thực hiện với tổng giá trị trúng thầu của 7 gói thầu là 1.050 tỷ đồng, chỉ giảm 254 triệu đồng so với giá gói thầu, tiết kiệm 0,02% cho nguồn vốn (sử dụng nguồn trợ giá từ TP Hà Nội và nguồn vốn xã hội hóa).
Giai đoạn 2018 - 2020, công ty này cũng giành chiến thắng tuyệt đối với kịch bản tương tự tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội với khối lượng là 6 gói thầu trị giá hơn 1.267 tỷ đồng.
Kế hoạch xanh hoá xe bus của Hà Nội
Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn Hà Nội có hơn 2.000 xe bus được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe bus điện. Số lượng xe bus sử dụng năng lượng sạch đạt tỷ lệ 13,6% tổng số xe toàn mạng lưới xe bus, thông tin từ báo Nhân dân.
Ngoài ra, trong số xe bus đang vận hành có hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên, còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu dầu diezel cần thay thế.
Tháng 11/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".
Theo phương án chuyển đổi, trong đầu năm 2025, có 4 đơn vị vận tải (Tổng công ty vận tải Hà Nội, CTCP Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện, với 76 xe (11 xe bus nhỏ, 65 xe trung bình), để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Đối với các tuyến bus hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến thành phố sẽ chuyển đổi phương tiện động cơ diezel lớn hết khấu hao sang xe bus điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số dự kiến 27 xe). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Như vậy, việc chuyển đổi sang dòng buýt điện của Bảo Yến là động thái giúp công ty nhanh chóng thích nghi với những quy định mới, đứng vững trên thị trường vận tải trong thời gian tới.