Kỹ sư công nghệ thông tin được thưởng Tết cao nhất 1,9 tỷ đồng, vẫn khan hiếm nhân tài
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM chia sẻ với VTV rằng điện tử - IT là nhóm có mức thưởng cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại TP HCM.
Trong đó, mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn 1,9 tỷ đồng. Mức thưởng thấp nhất (bình quân) là 5,9 triệu đồng.
Khảo sát của TopDev chỉ ra, các mức thưởng ngành IT hấp dẫn nhất gồm: thưởng hai tháng lương, thưởng một tháng lương cùng thưởng cam kết khi tuyển dụng, thưởng Noel cùng thưởng Tết Dương lịch và thưởng Tết, thưởng một tháng lương cùng thưởng theo năng suất.
Riêng với thị trường IT, một tháng lương là mức thưởng Tết trung bình dành cho các lập trình viên, không xét vị trí quản lý. Trong khi đó, mức lương trung bình mà các nhà tuyển dụng đang sẵn sàng trả cho các lập trình viên có kinh nghiệm là 1.329 USD (khoảng 30 triệu đồng) mỗi tháng.
Đối chiếu theo số liệu này, mức thưởng Tết trung bình cho các lập trình viên có kinh nghiệm ước khoảng 30 triệu đồng. Trong đó, với mức "hấp dẫn nhất" là 6 tháng lương, ước khoảng 180 triệu đồng, không xét vị trí quản lý.
Báo cáo thị trường IT Việt Nam 2024-2025 của IT TopDev chỉ ra, thị trường việc làm IT tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có, đặc biệt trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, và an ninh mạng. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ cao đang tăng mạnh, với mức lương cho các chuyên gia trong các lĩnh vực này liên tục gia tăng.
Theo báo cáo, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính dao động từ 1.100 đến 3.000 USD mỗi tháng, tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm.
Các vị trí chuyên sâu như kỹ sư AI và chuyên gia bảo mật thông tin có thể nhận được mức lương vượt xa con số trung bình, nhờ vào sự khan hiếm nhân lực và tầm quan trọng của những vai trò này trong các doanh nghiệp.
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường công nghệ không chỉ mở ra nhiều cơ hội việc làm mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Một trong những thách thức đáng kể là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn sâu.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường IT Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025 để đáp ứng nhu cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp trong việc triển khai các chương trình đào tạo upskilling (cải thiện các kỹ năng hiện có của bản thân) và reskilling (đào tại lại) cho nhân viên.