|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người nước ngoài ngạc nhiên với thưởng Tết ở Việt Nam

08:05 | 04/01/2025
Chia sẻ
Thomas Clarke nhận ra các đồng nghiệp người Việt thường đồng loạt mua xe máy mới hoặc đồ đạc đắt tiền nào đó mỗi khi nhận thưởng Tết.

Chàng trai người Anh đã có hơn 5 năm ở Việt Nam coi đây là một nét văn hóa thú vị. "Tôi không biết con số là bao nhiêu nhưng có lẽ nó đủ lớn và xứng đáng để mong chờ", Thomas, 29 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức nói.

Anh làm việc ở một trung tâm Anh ngữ với khoảng 80 giáo viên. Những giáo viên nước ngoài nhận lương cao hơn người Việt, kèm trợ cấp thuê nhà. Tuy nhiên, họ không có thưởng Tết giống các giáo viên người Việt.

Khi còn làm việc ở quê nhà Nottingham, Thomas thường nhận thưởng vào Giáng sinh hoặc cuối năm, bằng 10-15% mức lương tháng. Khoản thưởng này không phải công ty nào cũng có, nhiều ít tùy vào tình hình lợi nhuận trong năm. Một số công ty chỉ tặng nhân viên gift card (thẻ, voucher để đổi quà).

Nhưng ở Việt Nam, Thomas nhận ra thưởng Tết là văn hóa rất phổ biến, thường bằng một hoặc vài tháng lương. Nhiều ông chủ hào phóng hơn và kèm theo nhiều món quà. Đồng nghiệp người Việt của anh thường dùng số tiền này để biếu gia đình hoặc dành mua những món đồ quan trọng.

"Thưởng Tết phản ánh mức độ chăm chỉ, hiệu quả công việc suốt năm của họ và giúp hạn chế tình trạng nghỉ việc sớm", Thomas nhận xét. Một người bạn của anh cho biết thêm, khoản thưởng này giúp người lao động trải qua kỳ nghỉ tốn kém và chăm sóc gia đình.

Công nhân May 10 (Hà Nội) nhận lì xì ngày đầu trở lại nhà máy sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Là nhân viên ngoại quốc làm việc cho một công ty Việt Nam nhưng kỹ sư xây dựng Jan Jansen cũng được thưởng Tết. Khoản tiền khá lớn này khiến ông rất bất ngờ. Ở Hà Lan, công ty cũ thường tặng những món quà nhỏ, không liên quan đến tiền, như hộp thức ăn, thiệp vào dịp Giáng sinh. "Văn hóa thưởng của các quốc gia rất khác biệt", người đàn ông 53 tuổi, nói.

Đầu tiên, ông cảm nhận thưởng Tết giống như khoản lương bị hoãn lại. Ở châu Âu, thưởng được xem là phần tặng thêm cho nhân viên có hiệu suất tốt và cũng là thành công chung của công ty.

"Tức là họ chỉ nhận được khi làm việc tốt hơn mong đợi", Jan nói. Ông đoán thưởng Tết ở Việt Nam sẽ được liệt kê trong hợp đồng, nhận được là điều bình thường. Đồng thời, Jan cũng bất ngờ khi mọi nhân viên trong công ty đều được nhận thưởng, từ người quản lý cho đến nhân viên dọn dẹp vệ sinh, tài xế hoặc bảo vệ.

"Nó phản ánh thực tế các công ty Việt Nam rất trân trọng người lao động bất kể vị trí của họ là gì", ông nói.

Sau Covid-19, một số công ty có tình hình tài chính ảm đạm, họ buộc phải cắt khoản thưởng Tết. Nhưng khi kinh tế phục hồi vào năm ngoái, Jan ngạc nhiên khi họ bù đắp cho người lao động hai đến ba tháng lương. "Tôi rất ấn tượng và cho rằng nó xứng đáng", ông nói. "Tôi tin rằng đây là một trong những lý do người Việt làm việc nhiều hơn dân châu Âu chúng tôi".

Đó cũng là lý do Jan lựa chọn gắn bó với Việt Nam. Ông nằm trong dòng chảy lao động quốc tế lựa chọn đến Việt Nam làm việc ngày càng nhiều. Khảo sát của tập đoàn nhân sự Navigos cho thấy Việt Nam là nơi có nhiều ứng viên quốc tế muốn đến làm việc nhất Đông Nam Á với tỷ lệ 30%, tiếp sau là Singapore 24% và Thái Lan 17%.

Conor Kelly trong lớp học ở TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Conor Kelly, 28 tuổi, được bạn bè giải thích về thưởng Tết khi anh chuyển từ Anh đến TP HCM sống. Anh hiểu Tết với người Việt quan trọng như Giáng sinh của người phương Tây hoặc lễ Tạ ơn của người Mỹ.

Dịp này, mọi người sẽ về quê nhưng thường mua quà và trao lì xì nên có nhiều khoản phải chi hơn. Anh cảm nhận được sự chăm chỉ và nỗ lực cả năm của người Việt để nhận được khoản tiền giá trị nhất vào cuối năm. "Nó vừa là động lực, vừa là sự chờ đợi trong phấn khích và hồi hộp", Conor nói.

Tuy nhiên, Conor cũng lo ngại về tính chủ quan, thưởng Tết thường tùy thuộc vào mức độ hài lòng của sếp với nhân viên.

Cũng giống như Jan, khi trở thành giám đốc của một công ty kiến trúc, ông mới cảm nhận được nhiều bất cập. Ví dụ, thưởng Tết có thể gây sự so sánh nhạy cảm giữa các nhân viên. Một số công ty có nhân viên nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng. Ngoài ra, thưởng Tết cũng phụ thuộc nhiều vào số năm làm việc của người lao động.

Ông nhận bảng cơ chế thưởng Tết cho nhân viên từ công ty, vốn đã được thiết lập từ trước. Sau vài năm làm quản lý, Jan chấp nhận sự thật là nhân sự luôn luôn biến động sau mỗi lần điều chỉnh phúc lợi.

"Tuy nhiên, nếu bạn có môi trường làm việc đủ tốt, bạn sẽ không phải lo lắng về tình trạng nhân viên đột ngột bỏ việc", ông cho biết.

Thưởng Tết ở công ty ông luôn được hình thành dựa trên con số hiệu suất và đủ để người lao động có động lực mỗi ngày. "Họ đã dành nửa ngày ở văn phòng, thậm chí nhiều hơn thời gian ở với gia đình nên cần được bù đắp xứng đáng", Jan nói. "Sự bù đắp này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa công ty thành công và công ty chỉ tồn tại lâu dài".

Ngọc Ngân