Cảng biển Brazil kẹt cứng 70.000 xe điện Trung Quốc
Theo South China Morning Post, các công ty như BYD và Great Wall Motor đang nuôi tham vọng toàn cầu, và Brazil đã trở thành thị trường quan trọng khi nhiều nền kinh tế lớn khác chuyển sang chính sách bảo hộ. Brazil, thị trường ô tô lớn thứ 6 thế giới, là nơi mà thành công có thể mở ra triển vọng tại toàn khu vực.
Tuy nhiên, sau khi tạo nên cơn sốt trong lĩnh vực EV mới nổi tại Brazil, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tình trạng tồn kho xe tại các cảng bắt nguồn từ nỗ lực tránh thuế nhập khẩu mới. Các đối thủ nội địa đã phản ứng bằng cách bổ sung nhiều lựa chọn xe điện hơn và gia tăng đầu tư. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng xe điện của Brazil cũng đang chậm lại, tương tự nhiều khu vực khác trên thế giới.
“Giai đoạn tuần trăng mật đã kết thúc,” Alexander Seitz, Chủ tịch điều hành khu vực Nam Mỹ của Volkswagen – hãng đã bán xe tại Brazil từ thập niên 1950, nhận định. Volkswagen hiện sản xuất một số mẫu xe động cơ đốt trong bán chạy nhất tại đây.
BYD đang trên đà vượt mốc doanh thu 100 tỷ USD trong năm nay, và Brazil đóng góp phần lớn vào con số này. Đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của BYD, trong bối cảnh công ty này vấp phải sự phản đối từ các chính phủ ở Mỹ và châu Âu.
Trong thập kỷ trước, Brazil đã miễn thuế nhập khẩu 35% đối với xe điện và xe hybrid nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này. Điều đó thu hút các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, vốn gần như tự tạo ra thị trường xe điện tại một quốc gia có hơn 200 triệu dân. Các nhà sản xuất địa phương, chủ yếu là chi nhánh của các công ty toàn cầu như General Motors – trước đó hầu như bỏ qua phân khúc xe điện và hybrid.
BYD giới thiệu những mẫu xe đầu tiên của mình tại Brazil vào năm 2021 và đẩy mạnh xuất khẩu từ năm ngoái. Với mẫu xe rẻ nhất có giá chỉ 115.800 real (tương đương 19.100 USD), BYD nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần nhờ mức giá rẻ hơn cả xe chạy xăng của đối thủ. Các nhà sản xuất nội địa đã phản ứng bằng cách giảm giá một số mẫu xe tới 30%.
Các nhà sản xuất ô tô Brazil đã vận động hành lang để khôi phục thuế nhập khẩu và cuối cùng nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người trở lại cầm quyền vào tháng 1/2023. Chính phủ bắt đầu áp dụng thuế 10% vào đầu năm nay và có kế hoạch tăng dần lên 35% vào giữa năm 2026 (ngành công nghiệp ô tô nội địa hiện đang thúc đẩy đẩy nhanh lộ trình này).
Để ứng phó, BYD đã tăng cường xuất khẩu xe đến Brazil trước thời điểm áp thuế. Vào đầu tháng 11, một lãnh đạo của công ty cho biết còn khoảng 35.000 xe tại các cảng, tương đương 4 tháng tồn kho. Alexandre Baldy, phó chủ tịch cấp cao của BYD tại Brazil, cho biết đây là một phần trong chiến lược nhằm duy trì giá cả và đối phó với ngành công nghiệp nội địa mà ông gọi là “lỗi thời”.
“Chúng tôi đã khuấy động thị trường ô tô Brazil đến mức khiến các đối thủ phải lo sợ,” Baldy khẳng định. “Đó là sự hoảng loạn hoàn toàn từ các đối thủ cạnh tranh.”
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Brazil (Anfavea), tỷ lệ xe điện trong tổng doanh số bán ô tô tại Brazil gần như tăng gấp đôi, đạt 7% vào tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kể từ đó đã duy trì ở mức này. Trong 10 tháng đầu năm, các công ty ô tô đã bán khoảng hai triệu xe, trong đó có khoảng 140.000 xe điện.
Việc tìm kiếm khách hàng mới sẵn sàng mua xe điện tại một quốc gia mới bắt đầu xây dựng các trạm sạc ngày càng khó khăn hơn. Brazil là một quốc gia rộng lớn với khoảng cách xa giữa các trung tâm dân cư, làm tăng thêm lo ngại về quãng đường mà xe điện có thể đi được sau mỗi lần sạc.
“Chúng tôi cần mở rộng cơ sở hạ tầng,” Ricardo Bastos, giám đốc quan hệ chính phủ của Great Wall Motor tại Brazil, cho biết. “Doanh số hiện nay tốt, nhưng chúng có thể tăng trưởng mạnh hơn nếu cơ sở hạ tầng phát triển.”
Để đẩy nhanh việc phổ biến xe điện, BYD và Great Wall Motor dự kiến sẽ hành động quyết liệt hơn từ nay đến 2025. Cả hai đều có kế hoạch mở nhà máy tại Brazil.
Đối với BYD, nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên bên ngoài châu Á dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3 tới. Trên khu đất từng thuộc sở hữu của Ford Motor, BYD đang đầu tư 5,5 tỷ real và kỳ vọng trong vòng hai năm sẽ sản xuất được 300.000 xe mỗi năm.
BYD cũng cho biết đang tăng gấp đôi số lượng đại lý tại Brazil, quảng bá dòng sản phẩm gồm khoảng 12 mẫu xe, bao gồm cả mẫu xe bán tải hybrid đầu tiên tại thị trường này vừa ra mắt vào tháng 10. Trong khi đó, Great Wall Motor – dự kiến đạt doanh thu hơn 28 tỷ USD trong năm nay, đặt mục tiêu bắt đầu vận hành vào tháng 5 tại một nhà máy cũ của Daimler, với kế hoạch đầu tư 10 tỷ real trong khoảng một thập kỷ.
Nhiều công ty Trung Quốc khác cũng công bố kế hoạch mở rộng sang Brazil, trong bối cảnh các rào cản thuế mạnh mẽ tại châu Âu và Mỹ. Đầu năm nay, chính quyền Biden đã tăng thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc lên 100% từ mức 25% nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Các thương hiệu Omoda và Jaecoo của Chery Automotive dự kiến ra mắt nhiều mẫu xe tại Brazil vào năm 2026. GAC cam kết đầu tư khoảng 6 tỷ real. Neta, thuộc tập đoàn Hozon New Energy Automobile, hiện đang thâm nhập thị trường. Trong khi đó, Zeekr, thuộc Geely Automotive Holdings, đã bắt đầu giới thiệu các mẫu xe cao cấp tại quốc gia này.
“Các công ty Trung Quốc đang cố gắng chinh phục thị trường này từ góc độ ô tô, và chúng ta cần tìm cách ứng phó với điều đó,” Seitz nói. “Cuối cùng, cạnh tranh luôn là điều tốt vì nó buộc chúng ta phải suy nghĩ lại.”
Các hãng xe lớn như Volkswagen, Toyota Motor và Renault đã công bố hơn 100 tỷ real đầu tư vào cuối thập kỷ này. Phần lớn số tiền này dành cho việc phát triển xe hybrid, bao gồm cả các giải pháp kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong sử dụng xăng hoặc ethanol – một loại nhiên liệu được sản xuất từ cây mía của Brazil.
Stellantis – chủ sở hữu các thương hiệu như Fiat, Jeep và Peugeot đang lên kế hoạch bắt đầu bán xe điện từ đối tác Trung Quốc Leapmotor tại Brazil vào đầu năm tới.