BYD lần đầu tiên có doanh thu quý vượt Tesla
Vào cuối tháng 9 vừa qua, hãng xe điện BYD của Trung Quốc lần đầu tiên vượt mặt Tesla về doanh thu trong một quý, CNBC đưa tin.
Theo báo cáo mới nhất, BYD đã đạt mức doanh thu quý III là 201,12 tỷ nhân dân tệ (khoảng 28,24 tỷ USD), tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn doanh thu của Tesla trong cùng kỳ đạt 25,18 tỷ USD.
Mặc dù thị trường xe điện ở Trung Quốc đang suy giảm, BYD vẫn đạt được kết quả ấn tượng khi tiêu thụ kỷ lục số lượng xe vào tháng 8.
Dù doanh thu quý của BYD vượt Tesla, khi tính tổng doanh thu từ đầu năm, Tesla vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 71,98 tỷ USD, nhỉnh hơn một chút so với con số 70,53 tỷ USD của BYD.
Tesla cũng là quán quân về lợi nhuận trong các hãng xe điện. Trong quý III, Tesla đạt lợi nhuận ròng 2,18 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm ngoái, trong khi BYD đạt mức tăng 11,5%, tương đương 11,6 tỷ nhân dân tệ.
Mặc dù Tesla và BYD đang cạnh tranh khốc liệt, nhưng Tesla vẫn chiếm ưu thế tại thị trường Trung Quốc với mẫu xe Model Y dẫn đầu danh sách xe điện bán chạy trong tháng 9, trong khi mẫu xe Seagull của BYD bám sát ngay phía sau.
Việc châu Âu áp thuế nhập khẩu lên xe điện Trung Quốc đang khiến căng thẳng thương mại giữa hai bên gia tăng. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo áp dụng mức thuế lên tới 45,3% đối với xe điện nhập từ Trung Quốc, tác động đến nhiều hãng xe lớn. Tesla phải chịu thuế bổ sung 7,8%, trong khi các hãng khác như SAIC Motors phải đối mặt với mức thuế cao hơn, tới 35,3%.
Để ứng phó với mức thuế này, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD và Tesla đã triển khai các kế hoạch tăng cường sản xuất tại châu Âu. Tesla đã nhận được sự chấp thuận để tăng gấp đôi công suất sản xuất tại nhà máy Berlin, còn BYD đang đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có liên kết thuế quan với EU.
Chính phủ Trung Quốc kêu gọi hạn chế đầu tư
Trước động thái của EU, Trung Quốc đã kêu gọi các nhà sản xuất xe hơi trong nước hạn chế đầu tư vào các quốc gia châu Âu ủng hộ việc áp thuế bổ sung này.
Tại cuộc họp ngày 10/10 do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức, BYD, Geely và SAIC được khuyến nghị tránh các kế hoạch đầu tư lớn tại các nước ủng hộ thuế, thay vào đó nên xem xét đầu tư vào các quốc gia không bỏ phiếu hoặc phản đối áp thuế.
Động thái này cho thấy chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng đòn bẩy thương mại để tìm giải pháp thay thế các mức thuế của EU, tránh giảm mạnh xuất khẩu xe điện sang thị trường châu Âu - vốn chiếm tới 40% tổng lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2023.
Việc hạn chế đầu tư vào châu Âu có thể dẫn tới sự suy giảm về nguồn cung xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, đồng thời tăng thêm áp lực cho các hãng xe Trung Quốc đang đối diện với tình trạng dư thừa công suất sản xuất trong nước.
Chính sách mới của Trung Quốc nhằm nhấn mạnh quan điểm cứng rắn trước các quyết định thương mại của EU, đồng thời bảo vệ thị phần xe điện Trung Quốc tại thị trường lớn này.