Nguy cơ 'mất lòng' khách Việt vì cách đặt tên xe của BYD
Sau khi ra mắt các dòng xe điện BYD Seal, Atto 3 và Dolphin tại thị trường Việt Nam, hãng xe Trung Quốc BYD đang tiếp tục mở rộng phân khúc sản phẩm của mình. Mới đây, họ đã hé lộ kế hoạch phân phối mẫu xe SUV 6-7 chỗ thuộc phân khúc D, mang tên BYD Tang.
Mặc dù mẫu xe này được ưa chuộng tại Trung Quốc và một số thị trường quốc tế, ngay từ khi thông tin về sự xuất hiện của BYD Tang tại Việt Nam được công bố, tên gọi của chiếc xe đã trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Xe "Tang"
Khác với các thị trường quốc tế, nơi mà cái tên "Tang" dường như không gây ra nhiều vấn đề, tại Việt Nam, từ "tang" mang ý nghĩa rất nhạy cảm. Trong ngữ cảnh Việt Nam, "tang" thường được liên hệ với "tang lễ", biểu tượng cho sự đau buồn và mất mát.
Do đó, việc BYD đặt tên cho mẫu xe của mình là "Tang" đã nhanh chóng vấp phải sự e ngại từ người tiêu dùng Việt, dẫn đến không ít lời bàn tán và hoài nghi về tương lai của dòng xe này tại thị trường Việt Nam.
Điều này không chỉ làm giảm giá trị của chiếc xe, mà còn ảnh hưởng đến cảm nhận của khách hàng về thương hiệu.
Theo đại diện của BYD Việt Nam, họ đã nắm bắt được các ý kiến từ người tiêu dùng về tên gọi của mẫu xe. Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi là một quá trình phức tạp và đòi hỏi thời gian cũng như vấn đề pháp lý. BYD quyết định giữ nguyên tên gọi "Tang" để duy trì sự đồng nhất trên thị trường quốc tế.
BYD có một phong cách đặt tên xe khá độc đáo và nhất quán, thường dựa trên các triều đại Trung Quốc và các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Điều này thể hiện rõ nét trong các dòng xe.
Chẳng hạn, dòng "Dynasty" (Triều đại) - đây là dòng xe chủ lực của BYD, với các mẫu xe mang tên các triều đại Trung Quốc nổi tiếng như: Qin (Tần), Han (Hán), Tang (Đường), Song (Tống), Yuan (Nguyên), và Ming (Minh).
Dòng "Warship" (Chiến hạm) - lấy cảm hứng từ các chiến hạm nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, như: Destroyer 05 (Khu trục hạm 05), Frigate 07 (Tàu hộ vệ 07), Corvette 01 (Tàu hộ tống 01)
Dòng "Ocean" (Đại dương) - dòng xe điện mới của BYD, với các mẫu xe mang tên các loài sinh vật biển hoặc các khái niệm liên quan đến đại dương, như: Dolphin (Cá heo), Seal (Hải cẩu) và Seagull (Chim hải âu).
Phong cách đặt tên này không chỉ thể hiện sự tự hào về lịch sử và văn hóa Trung Quốc của BYD mà còn tạo nên sự khác biệt và dễ nhận diện cho các dòng xe của hãng. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc sử dụng tên các triều đại Trung Quốc có thể gây tranh cãi hoặc không phù hợp với một số thị trường, đặc biệt là khi tên gọi có thể mang ý nghĩa tiêu cực hoặc nhạy cảm trong ngôn ngữ địa phương.
Không chỉ BYD
Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã từng đối mặt với vấn đề tên gọi khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Tên gọi có thể mang ý nghĩa tiêu cực hoặc không phù hợp với văn hóa bản địa, dẫn đến việc phải điều chỉnh hoặc thậm chí đổi tên để thích nghi với thị trường mới.
Đơn cử, thương hiệu xịt khử mùi Axe của Unilever, rất nổi tiếng tại nhiều quốc gia, nhưng khi tiến vào các thị trường như Anh, Ireland, Úc và Trung Quốc, Axe buộc phải đổi tên thành Lynx do trùng nhãn hiệu với một sản phẩm khác. Điều này là cần thiết để tránh các rắc rối pháp lý và để sản phẩm có thể tồn tại trên thị trường mới. Việc đổi tên tuy nhỏ, nhưng có tác động lớn đến nhận diện thương hiệu và giúp duy trì tính toàn vẹn của Axe tại các thị trường này.
Irish Mist, một thương hiệu rượu nổi tiếng, đã phải thay đổi tên gọi khi tiếp cận các quốc gia sử dụng tiếng Đức. Trong tiếng Đức, từ "Mist" có nghĩa là "phân", một nghĩa tiêu cực và không phù hợp với một sản phẩm sang trọng như rượu. Sự điều chỉnh tên là cần thiết để tránh gây phản cảm và đảm bảo rằng sản phẩm không bị xa lánh bởi người tiêu dùng tại thị trường này.
Hay như trường hơp của Kentucky Fried Chicken, vốn được người Việt biết đến với tên gọi KFC. Cụ thể, chuỗi gà rán nổi tiếng đã phải thay đổi tên gọi thành "Poulet Frit Kentucky" (PFK) để tuân thủ luật về ngôn ngữ địa phương ở Canada. Hiến chương Pháp ngữ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp hoạt động tại Quebec phải có tên gọi bằng tiếng Pháp.
Trong một số trường hợp, các thương hiệu phải đổi tên sản phẩm của mình để tránh nhầm lẫn với đối thủ cạnh tranh đã có tên tuổi tại thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc định vị thương hiệu, giúp sản phẩm không bị lạc lõng giữa các đối thủ và tạo dấu ấn riêng. Ví dụ, thương hiệu TJ Maxx của Mỹ đã phải đổi tên thành TK Maxx tại Anh và Đức để tránh nhầm lẫn với chuỗi bán lẻ TJ Hughes, vốn đã tồn tại trên các thị trường này.
Quyết định đổi tên có thể là một con dao hai lưỡi. Một mặt, nó giúp thương hiệu dễ dàng tiếp nhận bởi khách hàng tại thị trường mới, tránh những vấn đề về văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện cẩn thận, nó có thể làm giảm sự kết nối giữa thương hiệu với người tiêu dùng và dẫn đến mất mát lòng trung thành của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra quyết định này.
Cái tên "Tang" có thể đã đánh giá cao giá trị lịch sử và văn hóa mà triều đại nhà Đường mang lại, nhưng có lẽ BYD đã không lường trước được sự nhạy cảm của cái tên này tại Việt Nam. Đáng lý, một điều chỉnh nhỏ về tên gọi có thể giúp BYD tránh được những phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng Việt.
Thực tế, BYD đã từng thay đổi tên gọi của nhiều mẫu xe khi đưa ra thị trường toàn cầu. Đơn cử, mẫu BYD Song được đổi thành BYD S2 tại một số khu vực, trong khi BYD Qin được đổi thành BYD D1 hoặc BYD e5, tùy theo thị trường. Nổi bật nhất là mẫu BYD Yuan, chiếc xe này đã được đổi thành BYD Atto 3 ở châu Âu và nhiều thị trường thuộc châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.