|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cẩn trọng thua lỗ nặng vì mua vàng Thần Tài

06:00 | 19/02/2024
Chia sẻ
Chênh lệch giá vàng mua - bán lớn và biến động giá mạnh tiềm ẩn rủi ro cho người mua vàng trong ngày vía Thần Tài.

Chênh lệch mua - bán lớn, người mua chịu nhiều rủi ro

Kể từ khi đạt kỷ lục trên 80 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 2, khoảng cách giá mua - bán của vàng SJC đang có xu hướng nới rộng ra 2 - 3 triệu đồng/lượng. Mức này cao hơn nhiều trong thời gian thị trường không có nhiều biến động, chỉ dưới 1 triệu đồng/lượng. 

Trong những ngày Vía Thần Tài (ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm) đến gần thị trường vàng thông thường biến động mạnh hơn và khoảng cách mua - bán tiếp tục duy trì ở mức cao. 

Tính đến thời điểm 10h00 ngày 18/2 (tức ngày 9 tháng Giêng), giá vàng SJC mua vào - bán ra lần lượt ở mức 75,7 - 78,3 triệu đồng/lượng.  Khoảng cách mua - bán là 2,6 triệu đồng/lượng. 

Trong khi vàng nhẫn tròn trơn có giá bán và mức chênh lệch thấp hơn nhiều so với giá vàng miếng. Mức giá mua vào - bán ra lần lượt là 64,2 - 65,6 triệu đồng/lượng, tương đương với mức chênh lệch là 1,4 triệu đồng/lượng. 

Nguồn: Doji, Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lý giải trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, các nhà buôn vàng thường đẩy chênh lệch giá mua - bán cao để đảm bảo quản trị rủi ro vì thường họ mua - bán vàng trong ngày. Nếu để qua đêm các cửa hàng sẽ chịu rủi ro nếu giá vàng đi xuống. Do đó, các nhà bán vàng sẽ phải để chênh lệch giá cao lên.

Việc khoảng cách mua - bán nới rộng tiềm ẩn rủi ro cho người mua vàng trong ngày vía Thần Tài, nhất là những ai chọn vàng miếng. Nói cách khác, người mua sẽ lỗ luôn khoản chênh lệch giá ngay khi nhận vàng trong tay và phải chờ một khoảng thời gian mới có thể hoà vốn. Khi khoản chênh lệch càng lớn, mức lỗ càng lớn và thời gian để chờ “về bờ” càng lâu. Chưa kể, giá vàng thường giảm mạnh sau ngày vía Thần Tài khiến mức lỗ sâu hơn. 

Do vậy, giới chuyên gia cho rằng với những ai mua vàng để lấy may trong ngày vía Thần Tài, chỉ nên mua với số lượng nhỏ trong ngày vía Thần Tài thay vì “ôm” thật nhiều để rồi gồng lỗ.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng “Thần Tài” đến đúng ra là tiền vào chứ không phải tiền ra. Trong khi đó, mua vàng chính là tiền ra. 

“Một cách thông minh để kiếm lời trong ngày vía Thần Tài mua vàng trước ngày này rồi nắm giữ trung hạn hoặc bán vào đúng ngày vía Thần Tài để có tiền vào. Làm như vậy, người dân vừa không mất công xếp hàng mà giá lại được đẩy lên vào ngày đó nên bán dễ có lời hơn”, ông Khánh nói. 

Còn về đường dài, các chuyên gia cho rằng người dân nên coi vàng là kênh đầu tư mang tính phòng thủ, bảo vệ tài sản, thay vì lướt sóng. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, nhà sáng lập ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính Topi, cho  rằng: “Nếu coi vàng vật chất ở Việt Nam là kênh đầu tư lướt sóng, mua bán ngắn hạn thì nhà đầu tư khả năng cao lỗ vì chênh lệch giá mua vào - bán ra lớn”.

Kỳ vọng từ việc sửa đổi Nghị định 24

Không chỉ có mức chênh lệch mua - bán cao, giá vàng SJC còn chênh hơn rất nhiều so với giá thế giới, khoảng 15 - 16 triệu đồng/lượng, tạo rủi ro cho người đầu cơ vàng. Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường vàng trong nước gần như không liên thông với thế giới do Nghị định 24 được đưa ra cách đây hơn 10 năm nhằm chống vàng hoá nền kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan quản lý tổng kết Nghị định 24 và có giải pháp quản lý thị trường này trong quý I để "phù hợp tình hình mới".

Tại Toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt vì từ xưa tới nay, vàng có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuẩn sản xuất ra đồ trang sức. 

Người Việt Nam, tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng. 

“Đó là yêu cầu chính đáng mà nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý lo sợ lại lao đi mua, lại đẩy giá lên”, ông Cường nói. 

Ông cho rằng thị trường vàng vật chất phải mở cửa, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp và không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Khi càng cạnh tranh về cung thì càng có lợi cho người mua, không còn chuyện giá phi lý.

Tuy nhiên, nếu chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua về cất tủ, két ở nhà, thì chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề, thậm chí cần chi phí cho việc bảo trữ.

Khi Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

“Như vậy, có thể chúng ta trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nhưng vàng nằm trên thị trường, thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường.

Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi, đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời”, ông nói. 

H.Mĩ