Cân bằng cung - cầu điện giai đoạn 2016 - 2020
Các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cung ứng điện có thể đảm bảo đủ nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tính tới các giải pháp tiết kiệm điện, cân đối cung - cầu sử dụng điện để tránh việc ngành Điện đang “gồng” mình quá sức như hiện nay.
Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, để đảm bảo đủ điện năng thì đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, tức trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ cần đưa vào vận hành thêm 21.600 MW. Số tiền đầu tư trong 5 năm sẽ gần 40 tỷ USD, tức là hơn 7 tỷ USD/năm.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên cho rằng, không chỉ gặp khó với số vốn lớn, mà ngành Điện còn gặp khó nhiều vấn đề khác như: Môi trường, tính hiệu quả của các dự án điện.
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 (EVN NPT) vận hành trạm biến áp 500kV Nhà Bè. Ảnh: Ngọc Hà-TTXVN |
“Chúng ta khi nói đến điện thì thường nghĩ đến việc cung ứng điện như thế nào, thiếu hay thừa… nhưng nguy cơ thiếu điện một phần cũng là do các khách hàng, các hộ sử dụng điện. Mặc dù ngành Điện đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung trên cơ sở dự báo về nhu cầu sử dụng, nhưng cứ đuổi theo nhu cầu thế này thì không được” - TS Trần Đình Thiên nói.
Ông Trần Đình Thiên phân tích: “Với nhiều dự án tiêu tốn năng lượng, sử dụng năng lượng kém hiệu quả như nhiều dự án xi măng, thép… gây thất thoát năng lượng đang khiến cho ngành Điện phải “gồng gánh”. Tỷ lệ GDP cả nước tăng 1%, nhưng nhu cầu điện tăng tới 2%. Do vậy, để cân bằng ngành Điện phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng giảm tiêu hao năng lượng và sử dụng hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, sự tham gia của công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng cần phải được đẩy mạnh hơn. Đây là những giải pháp của chiến lược phát triển quốc gia gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch phát triển điện…
Ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho hay, từ phía nhu cầu, các hộ tiêu thụ tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt nhất, ít tốn kém nhất để tránh việc phát sinh đầu tư các nguồn năng lượng mới. Các hộ sử dụng điện cần phải thay đổi công nghệ tiết kiệm để giảm tải cho phía nguồn cung điện.
Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, khi làm Quy hoạch Điện VII, Cục cũng rất lưu ý việc bổ sung nguồn điện cho miền Nam. Hiện ở miền Nam có Trung tâm điện lực Phú Mỹ, Vĩnh Tân… nhưng với tốc độ tăng trưởng điện ở miền Nam cao như hiện nay, thì việc đầu tư điện đòi hỏi các nhà đầu tư phải đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ, để giảm bớt chênh lệch cung cầu.
Việc cung ứng điện cho miền Nam sẽ chỉ xảy ra ở những khu vực cục bộ, quá tải lưới… Do đó, năm 2017, ngành Điện sẽ không để thiếu điện miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Cục cũng đang rà soát lại để đưa ra kế hoạch vận hành tối ưu cho các nhà máy.
“Tuy nhiên, để đảm bảo đủ điện lâu dài, người dân, doanh nghiệp cần sử dụng một cách tiết kiệm để giảm việc đầu tư nguồn điện mới và giảm rủi ro mất cân bằng cung - cầu”, ông Phúc cũng đề nghị.
Các chuyên gia cũng cho rằng, do nhu cầu vốn lớn, để có thể thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào cung ứng điện sẽ rất khó khăn. Các doanh nghiệp trong nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng gặp vấn đề này để đầu tư các dự án mới. Do vậy, Nhà nước cần có những cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư về giá điện để khi đầu tư các dự án điện, không xảy ra tình trạng dở dang.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước có thể bán bớt cổ phần tại các doanh nghiệp điện để thu hút vốn xã hội đầu tư vào các dự án năng lượng mới. Còn sau khi bán rồi, việc quản trị nhà máy như thế nào lại là việc tương đối độc lập. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một hướng rất tốt để thu hút vốn.