|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cần 8 năm để Apple chuyển 10% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc

10:37 | 05/10/2022
Chia sẻ
98% sản lượng iPhone của Apple đang được sản xuất tại Trung Quốc.

Theo Bloomberg, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều lý do để các công ty Mỹ hạ cấp mối quan hệ với Trung Quốc. Từ cuộc chiến thương mại dưới thời cựu Tổng thống Trump, tới chính sách Zero COVID, hay những vấn đề với eo biển Đài Loan. Nhưng “chia tay” hoàn toàn là việc khó có thể thực hiện, tờ Bloomberg nhận xét.

Theo một phân tích về Apple từ Bloomberg Intelligence, công ty công nghệ Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Apple đã bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone 14 tại Ấn Độ. Nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple là Foxconn, gần đây, đã đồng ý đầu tư 300 triệu USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Bloomberg Intelligence ước tính sẽ mất khoảng 8 năm để chuyển 10% công suất sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc - nơi có khoảng 98% iPhone của Apple đang được sản xuất. Mạng lưới nhà cung cấp linh kiện, đến nguồn điện, thông tin liên lạc và giao thông,… là những lý do khiến việc “thoát Trung” trở nên đặc biệt khó khăn.

“Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng sản lượng smartphone toàn cầu và các nhà cung ứng hàng đầu Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng lượng xuất xưởng toàn cầu. Sẽ rất khó cho Apple trong việc xây dựng chuỗi cung ứng tương tự nếu sản xuất ngoài Trung Quốc”, báo cáo chỉ ra.

 Bên trong nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc. (Ảnh:Tech Vision).

Hai thập kỷ qua, các công ty công nghệ Mỹ đã đầu tư hàng chục tỷ USD để thiết lập chuỗi phản ứng phức tạp cho sản xuất. Việc thay đổi quan hệ sản xuất này có thể sẽ mất nhiều thời gian và dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị tổn thương.

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc tổng hợp, các công ty Mỹ đã đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc 90 tỷ USD tính đến cuối năm 2020 và đã tăng thêm 2,5 tỷ USD trong năm 2021. Theo Bloomberg, con số thực tế còn có thể cao hơn vì một số khoản đầu tư được chuyển qua Hong Kong hoặc các thiên đường thuế khác như Cayman.

Chuỗi cung ứng công nghệ của Mỹ phụ thuộc vào các công ty đến từ Đài Loan (Trung Quốc), và các địa phương khác tại Trung Quốc đại lục.

Mức độ tiếp xúc của Apple với Trung Quốc cũng lớn hơn đáng kể so với nhiều hãng công nghệ khác như Amazon, HP, Microsoft và Dell - những công ty đều phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất phần cứng máy chủ, sản phẩm lưu trữ và thiết bị mạng. Nhưng mức độ phụ thuộc của họ thấp hơn nhiều so với Apple, tờ Bloomberg nhận xét.

Theo Bloomberg Intelligence, sự phụ thuộc trong ngành công nghệ về tổng thể có thể giảm từ 20% đến 40% vào năm 2030. Đối với các nhà sản xuất phần cứng và điện tử, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc giảm xuống 20% - 30% trong một thập kỷ tới.

Chính quyền ông Biden đang thực hiện theo hai hướng nhằm làm suy yếu quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các công ty chuyển sản xuất về nước thông qua các gói hỗ trợ và trừng phạt vào Trung Quốc, kiểm soát xuất khẩu,…

Ông Biden đã ký hai đạo luật bao gồm các điều khoản giúp thúc đẩy sản xuất trong nước đối với một số mặt hàng chiến lược như chất bán dẫn, xe điện, pin và dược phẩm. Ngoài ra, luật cũng cấm các công ty liên bang tiếp cận khoản hỗ trợ trị giá 52,7 tỷ USD nếu họ mở rộng sản xuất chip tiên tiến hơn 28 nm ở Trung Quốc hoặc Nga trong vòng 10 năm.

Chính quyền Mỹ cũng mở rộng hạn chế việc xuất khẩu chất bán dẫn đến Trung Quốc với những yêu cầu như phải có giấy phép để bán thiết bị sản xuất chip cho các nhà máy sản xuất chip 14 nm trở lên. Dự kiến, Mỹ sẽ đưa ra các rào cản mới với thương mại Mỹ - Trung trong mùa thu năm nay nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ.

Về phía các doanh nghiệp, tâm lý trong khu vực tư nhân cũng xấu đi. Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung cho thấy sự lạc quan của các công ty Mỹ về Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Gần một nửa số người được hỏi cho biết công ty đã trì hoãn hoặc huỷ bỏ các danh mục đầu tư đã lên kế hoạch tại Trung Quốc.

Gần 1/4 số người trả lời cho biết họ đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất trong chuỗi cung ứng của mình ra ngoài Trung Quốc trong năm qua. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết ngay cả những công ty đã “bám rễ” tại Trung Quốc nhiều thập kỷ mà việc rời đi mà “rất khó khăn” - cũng đang thực hiện kế hoạch”thoát Trung”.

Tuy nhiên, đây không hẳn là một cuộc “di cư hoàn toàn khỏi Trung Quốc”. Cách tiếp cận phổ biến nhất là Trung Quốc cộng một. Theo đó, Trung Quốc sẽ vẫn là cơ sở sản xuất chính và bổ sung thêm một quốc gia khác như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Năm ngoái, các công ty Mỹ đã cam kết đầu tư khoảng 740 triệu USD vào Việt Nam, nhiều nhất kể từ năm 2017 và gấp đôi so với năm 2020.

 

Thiên Trường