Cấm cầu Long Biên
Chiều nay, lũ sông Hồng đã lên báo động một 9,5 m (cao nhất là báo động ba). Từ năm 2008 đến nay, lũ mới lên cao như vậy. Với lệnh cấm này, người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên.
9h cùng ngày, ngành đường sắt đã dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, đồng nghĩa 5 - 6 đôi tàu sẽ phải dừng lại.
Cũng trong sáng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn.
Hiện để di chuyển qua sông Hồng, ôtô trọng tải lớn chỉ có thể đi cầu Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.
Một ngày trước, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông của Phú Thọ bị sập, trôi hai nhịp thép. Hiện 3 người được cứu, còn nhiều người mất tích.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ. Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp, Nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.
Năm 2015, cầu Long Biên được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 đã được Bộ Giao thông Vân tải bàn giao cho Hà Nội thực hiện, đến nay vẫn chưa được khởi động.
Năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung cho sửa chữa, gia cố khẩn phần lối đi cho người đi bộ trên cầu Long Biên như thay thế tấm đan, gia cố, sơn lan can. Kinh phí bảo trì cầu Long Biên năm trước là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và tuần cầu.