|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lũ trên sông Hồng đang xuống chậm, Bộ Tư lệnh Thủ đô làm chủ lực hộ đê

14:41 | 12/09/2024
Chia sẻ
Tuy nước sông Hồng được dự báo sẽ rút chậm trong 12-24 giờ tới nhưng đã có hiện tượng tràn đê ở một số khu vực như thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, lũ tại các sông tuy vẫn ở mức cao nhưng một số sông đã có dấu hiệu rút dần, số còn lại đang biến đổi chậm.

Cụ thể, lũ trên sông Cầu (Bắc Ninh) đang dao động ở mức đỉnh lũ 7,63m, trên báo động (báo động 3) 1,33m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84m) 0,21m; Lũ trên sông Thương (Bắc Giang) đang dao động ở mức đỉnh lũ 7,23m, trên báo động (báo động 3) 0,93m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1986 (7,53m) 0,30m.

Lũ trên sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương) đang lên chậm; Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) đang lên chậm.

Lũ trên sông Hồng (Thành phố Hà Nội) đang biến đổi chậm;  Lũ trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang xuống; Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang đang xuống; Lũ trên sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang biến đổi chậm.

Mực nước lúc 7 giờ sáng 12/9, trên các sông như sau: Trên sông Thao tại Yên Bái 31,33m, trên báo động 2 0,33m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,61m, trên báo động 3 1,31m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,23m, trên báo động 3 0,93m.

Trên sông Lục Nam tại Lục Nam mực nước đo nước đo được lúc 7 giờ sáng 12/9 là 6,33m, trên báo động 3 0,03m; trên sông Lô tại Tuyên Quang 26,91m, trên báo động 3 0,91m; tại Vụ Quang 20,45m, dưới báo động 3 0,05m; trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,65m, trên báo động 3 0,65m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,18m, trên báo động 3 0,18m; trên sông Hồng tại Hà Nội 11,20m, dưới báo động 3 0,3m.

 Lũ trên sông Hồng khiến khu vực xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội ngập sâu sáng 12/9. (Ảnh: HA).

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 1; Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống dưới mức báo động 2 và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2; Lũ trên sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức báo động 3; Lũ trên sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức báo động 3.

Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3; Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. - Lũ trên sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức báo động 3; Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên báo động 2.

Trong 12- 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 1. - Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 1; lũ trên sông Cầu sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm dưới mức báo động 3.

Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2 và ở trên báo động 1.

Khu vực Kim Tiên, Xuân Nộn, Đông Anh nước sàn bờ bao sáng sớm 12/9. (Ảnh: H.A).

Hà Nội vẫn còn nhiều khu vực ngập úng

Hiện Hà Nội đã giảm mưa từ trưa 12/9, còn nhiều khu vực ngập úng sâu như: xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, xã Xuân Canh, Xuân Nộn, Hải Bối, huyện Đông Anh, khu vực Hồng Hà, Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm và nhiều khu vực ven các sông lớn. 

Để đảm bảo an toàn đê điều, sáng 12/9 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có công điện về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, giao Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các Phó Chủ tịch UBND TP theo địa bàn phụ trách trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê. Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo “phương châm 4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

 Người dân phối hợp cùng lực lượng quân đội hộ đê ngay trong sáng sớm 12/9. (Ảnh: H.A).

Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các lực lượng quân đội trên địa bàn chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Hạ An