Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn đê điều, không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 93 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.
Công điện nêu rõ, lũ hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được dự báo còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.
Trong đó tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành khoa học, phù hợp các hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các quân khu, cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý, khai thác hồ đập thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trong công điện.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, đến 11 giờ ngày 11/9 có 292 người chết, mất tích (152 người chết, 140 người mất tích) do bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Trong số đó, Lào Cai 155 người (53 người chết, 102 người mất tích); Cao Bằng 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích); Yên Bái 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích); Quảng Ninh 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương 1 người chết do bão;
Hà Nội 1 người chết do bão; Hòa Bình 5 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang 2 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích); Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất; Vĩnh Phúc 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền); Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất).