|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Cơn bão Yagi - Bài 2] Vốn để tái thiết và áp lực lên ngành ngân hàng

14:00 | 30/09/2024
Chia sẻ
Những gói vay trị giá hơn 400.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cùng với chính sách miễn giảm lãi suất của ngân hàng đang giúp giải phần nào bài toán vốn cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại sau bão.

 

Như đã đề cập trong bài viết trước đó, cơn bão số 3 (Yagi) đã để lại những con số thiệt hại khổng lồ cho hàng nghìn người dân và doanh nghiệp ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Những người nuôi trồng hải sản trắng tay, chủ tàu lặng người khi nhìn gia tài của mình chìm trong biển, những doanh nghiệp thiệt hại lớn về tài sản, nhiều người dân mất nhà,...

Người dân cần vốn

"Vốn" có lẽ là từ khoá mà những người, doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn đó quan tâm nhất vì họ phải đứng trước những vấn đề như làm sao để trả nợ ngân hàng, làm sao để có vốn mới khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các nhà băng toàn hệ thống, đến ngày 25/9, toàn ngành có hơn 94.000 khách hàng bị ảnh hưởng sau bão với dư nợ chịu tác động lên tới 165.000 tỷ đồng.Quảng Ninh, tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, có khoảng hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.

Một số tỉnh thành như Yên Bái có tới 18,55% dư nợ bị ảnh hưởng; Hải Phòng là 10,65%, tương đương gần 25.000 tỷ đồng; Hải Dương là 8,64%, tương đương 12.000 tỷ đồng; Hà Nội thiệt hại gần 1%, tương đương 31.870 tỷ đồng (số liệu đến 20/9). Những con số này có thể chưa được thống kê hết và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Một phần nhà máy của LG Electronics tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng ngày 9/9. (Ảnh: Minh Nguyen/Reuters). 

Nhóm các ông lớn Big4 như VietinBank, BIDV, Agribank, Vietcombank,… có mức dư nợ ảnh hưởng cao nhất lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng cổ phần như LPBank, HDBank, MB, Sacombank, SHB,... cũng có dư nợ chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Điều hành sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN và hệ thống ngân hàng nghiên cứu các chính sách giãn nợ, cho vay tín chấp, gói lãi suất 0%,... nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống.

NHNN và các ngân hàng đã nhanh chóng có các cuộc họp để ghi nhận thiệt hại và đưa ra giải pháp. Loạt chương trình hỗ trợ như miễn giảm lãi vay, cơ cấu nợ cho khách hàng được ngân hàng đồng loạt tung ra.

Ngân hàng Chính sách Xã hội Quảng Ninh cho biết sẽ tạm dừng việc thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão và mưa lũ sau bão Yagi đến hết ngày 31/12/2024. 

Mức giảm lãi suất cho các khoản vay cũ được các Big4 đưa ra từ 0,5 - 2 điểm % trên lãi suất đang được áp dụng từ đầu tháng 9 đến hết năm 2024. Một số ngân hàng như SHB đưa ra mức hỗ trợ lớn hơn, giảm từ 50% lãi phải trả cho khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1/9 đến 31/12/2024, thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mức giảm có thể tới 100%.

Mới đây, Thống đốc NHNN cũng ra chỉ thị thúc đẩy việc thực hiện hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng do bão Yagi, trong đó yêu cầu các ngân hàng khẩn trương cơ cấu nợ, miễn giảm lãi và đi cùng với đó là xét duyệt vay mới để hỗ trợ khách hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% (chỉ từ hơn 4%/năm) cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3, tổng quy mô lên tới 405.000 tỷ đồng.

Chẳng hạn VietinBank đã nhanh chóng công bố gói lãi suất giảm 1 điểm % quy mô 100.000 tỷ đồng đến cuối năm 2024; BIDV triển khai gói tín dụng 60.000 tỷ cho khách hàng mới để khắc phục; Agribank giảm lãi vay từ 0,5 đến 2% điểm cho khách hàng, trong khi Vietcombank giảm lãi tới 2 điểm %.

Ở nhóm cổ phần, MB công bố gói vay tái thiết quy mô 2.000 tỷ đồng giảm lãi suất 1 điểm % và dự kiến bổ sung gói 7.000 tỷ đồng. Sacombank dự kiến tung gói vay 27.500 tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2 điểm %; TPBank triển hai hai chương trình với tổng quy mô 4.000 tỷ đồng; LPBank tung gói vay mới 8.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6 - 6,5%/năm. 

Với HDBank, ngân hàng triển khai chương trình vay 7.000 tỷ đồng cho khách hàng mới, lãi giảm tới 1 điểm%, tập trung nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và người dân. Đồng thời, công ty tài chính HDSaison cũng tung ra gói vay 2.000 tỷ đồng giảm đến 50% lãi suất, tập trung vào những lĩnh vực liên quan tới sửa sang nhà cửa. 

SHB công bố gói sản phẩm cho vay mới những khách hàng bị thiệt hại mong muốn phục hồi, phát triển sản xuất với quy mô 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,5%/năm. Techcombank cũng tung gói cho vay 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho cả khoản vay mới với mức giảm từ 1 đến 2 điểm %. 

Nhìn theo góc độ lạc quan, nhu cầu lớn về vốn để tái thiết cũng là cơ hội để các ngân hàng tiếp tục đẩy vốn ra nền kinh tế. Nếu toàn bộ các gói vay với quy mô 405.000 tỷ đồng được giải ngân hết trong năm nay, tín dụng có thể tăng trưởng thêm gần 3 điểm % so với cuối năm 2024.

 

“Những chính sách như vay tái thiết rõ ràng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, qua đó thúc đẩy tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm của Yuanta Việt Nam, đánh giá. Theo ông, trong giai đoạn vừa qua, tín dụng tăng chậm một phần đến từ điều kiện cho vay khắt khe, lãi suất chưa hấp dẫn. 

Tương tự, VCBS cũng kỳ vọng tín dụng được thúc đẩy từ những dòng vốn mới trong những tháng cuối năm 2024 (với mức lãi suất và quy mô hợp lý), bơm ra nền kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân ở khu vực phía Bắc. 

Dòng tín dụng này sẽ giúp khách hàng có vốn mới quay vòng để phục hồi sản xuất kinh doanh và khắc phục thiệt hại sau bão Yagi, cũng như có thời gian vừa đủ để doanh nghiệp/hộ kinh doanh tái sản xuất sinh lời và có điều kiện để trả nợ.

Áp lực nợ xấu, cần kéo dài chính sách cơ cấu nợ thêm 2 - 3 năm

 

Có thể nói ngân hàng là người đồng hành, một chỗ dựa không thể thiếu để người dân hồi phục sau bão nhưng điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và chất lượng tài sản của chính các ngân hàng.

Tuy nhiên theo kỳ vọng của các chuyên gia, mức tác động sẽ không quá lớn khi dư nợ bị thiệt hại chỉ chiếm gần 0,8% tổng dư nợ tính đến ngày 16/9 và không tập trung vào một ngân hàng duy nhất.

Đánh giá khách quan về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng tác động của bão Yagi là mang tính gián đoạn và sẽ sớm kết thúc do ngành ngân hàng hiện nay vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhóm bất động sản (BĐS) còn bão Yagi phần lớn ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất và người dân. 

“Các ngân hàng Big4 có quy mô lớn, cho vay nhiều nên sẽ chịu thiệt hại lớn hơn. Còn nhóm ngân hàng tầm trung và nhỏ thì không tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chủ yếu vẫn là cho vay BĐS và cho vay theo dự án. Dư nợ cho vay sản xuất, hộ gia đình… nếu xét về đối tượng vay thì nhiều nhưng giá trị từng món thì không lớn”, ông Minh cho hay.

Cùng với đó ông Minh cũng chỉ ra điểm tích cực đối với các ngân hàng là trong giai đoạn gần đây chi phí vốn đã có xu hướng giảm và được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, điều này sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất.

Theo đó, nhờ tỷ giá hạ nhiệt và động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), NHNN đã có điều kiện để nới lỏng trên thị trường mở, thông qua việc hạ lãi suất tín phiếu, OMO, từ đó giúp lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 1 điểm % so với chỉ vài tháng trước. Diễn biến này có tác động tích cực tới chi phí vốn của ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, vốn dựa nhiều vào nguồn vốn thị trường. 

“Nếu tình trạng này xảy ra trong 6 tháng đầu năm thì hơi lo, vì áp lực tỷ giá cũng như NHNN duy trì lãi suất OMO cao. Thời điểm đó, nếu giảm lãi vay thì ngân hàng chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhưng môi trường hiện nay lại là thời điểm thuận lợi để giảm lãi vay xuống”, ông phân tích.

 Chuyên gia Nguyễn Thế Minh. (Ảnh: Minh Quang).

Về rủi ro nợ xấu đến từ cơn bão Yagi, chuyên gia Thế Minh cho rằng ngân hàng sẽ chịu một số tác động, nhưng xu hướng chung vẫn là tích cực khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Bởi vì Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với các rủi ro, thiên tại tương tự, đồng thời Chính phủ cũng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục. 

Đồng thời, dòng vốn FDI đổ vào mạnh, tình hình du lịch tăng trưởng tốt sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp khắc phục nhanh hơn, thay vì những khó khăn như giai đoạn 2022. 

Trong đợt bão lần này có nhiều cá nhân mất hết và cần phải xây dựng, tích lũy lại từ đầu nên sẽ cần nhiều thời gian. Do đó, theo các chuyên gia cần phải duy trì kéo dài giãn hoãn nợ, tương tự như Thông tư 06 kéo dài thời hạn Thông tư 02, có thể lên tới 2 - 3 năm.

Theo ông Thế Minh, việc ban hành một quy định tương tự như Thông tư 02 sẽ hỗ trợ cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Một mặt, doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất, mặt khác giúp ngân hàng không dính phải giới hạn về nợ xấu để có thể tiếp tục cho vay. 

Nhiều tổ chức, chuyên gia đánh giá nợ xấu đã hoặc sắp đạt đỉnh. 

Đồng quan điểm trên, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng nợ xấu trên tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi sẽ ở mức thấp và sẽ được phản ánh vào năm sau theo chỉ đạo của NHNN về sự linh hoạt trong hoạt động thu nợ, tạm thời khoanh nợ, hoãn/giãn nợ, giảm lãi.

Còn tiếp: Bài 3: Bảo hiểm gặp bão

Minh Quang