|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Cơn bão Yagi - Bài 4] Ba nguồn lực để tái thiết

13:00 | 01/10/2024
Chia sẻ
Tái thiết sau bão không chỉ cần khôi phục cuộc sống vốn có của người dân mà còn phải đầu tư cơ sở hạ tầng, làm tốt hơn trước. Điều đó cần sự góp sức từ ba nguồn lực: bảo hiểm, ngân hàng và ngân sách Nhà nước.

Cầu phao Phong Châu chính thức thông xe từ sáng 30/9/2024. (Ảnh: VGP).

Nỗ lực để tái thiết

6h sáng ngày 30/9, cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã chính thức thông xe. Đây là cây cầu được xây dựng nhằm thay thế tạm thời cây cầu Phong Châu cũ đã bị đổ sập sau bão Yagi, cầu phao này sẽ giúp cho người dân sẽ không phải đi đường vòng xa hàng chục cây số. Cây cầu kiên cố dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2025.

Hay trước đó vào ngày 21/9, UBND tỉnh Lào Cai đã khởi công khu tái định cư Làng Nủ của xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Khu vực tái thiết có diện tích khoảng 3,5 ha, được bố trí cho khoảng 40 hộ dân chuyển đến sinh sống. Trong đó, mỗi căn hộ sẽ có diện tích khoảng 350m2 cùng nhiều công trình phụ trợ, phục vụ đời sống của người dân.

Dự kiến với tốc độ thi công 3 ca, 4 kíp, các đơn vị thi công sẽ quyết tâm hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 31/12/2024, giúp bà con có nơi ở mới.

Khu tái định cư thôn Kho Vàng nhìn từ xa. (Ảnh: Truyền Hình Lào Cai).

Cầu Phong Châu đổ sập và lũ quét san bằng ngôi làng Nủ tại Bắc Yên là hai sự kiện đáng buồn khó quên của người dân miền Bắc sau bão Yagi. Sau những mất mát, chính quyền và người dân nơi đây đang quay trở lại dần với nhịp độ của cuộc sống thường ngày và chờ đợi những hình ảnh tái thiết mới trong tương lai.

Không chỉ là đường sá, nhà ở, việc khôi phục kinh tế sau bão lũ, đảm bảo sinh kế cho người dân là vấn đề cấp thiết ở thời điểm hiện tại.

“An sinh cho người lao động là vấn đề lưu tâm hàng đầu, các công tác tái thiết sau bão lũ tập trung vào sửa chữa xây dựng nhà cửa, công cụ, máy móc lao động, khôi phục mùa màng cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, cần kiểm soát giá cả mặt hàng thiết yếu, không để khan hàng, tăng bất hợp lý khiến người dân thêm khó khăn. Thậm chí, giá điện, y tế, giáo dục cần điều chỉnh để giảm tối đa chi phí cho người lao động", ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho hay.

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp rất khó khăn: "Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân".

Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB Việt Nam nhìn nhận, muốn vượt qua thử thách và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai Chính phủ cần tái thiết sau bão mà không chỉ phục hồi còn phải làm tốt hơn trước.

Trong các địa phương chịu thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua, có rất nhiều địa phương vốn đã gặp khó khăn trong tăng trưởng. Vì vậy, đây là cơ hội để tái thiết sau bão, không chỉ phục hồi kinh tế của các địa phương này mà còn phải làm tốt hơn trước để tạo ra cơ hội tăng trưởng tốt hơn cho các địa phương sau bão, chuyên gia phân tích. 

Chính sách hỗ trợ thế nào, thứ hạng ưu tiên ra sao khi nhiều thành phần kinh tế cùng lúc bị tác động và việc phân bổ nguồn lực như thế nào là những câu hỏi được đặt ra trong lúc này.

Ba nguồn lực vốn

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB Việt Nam Nguyễn Bá Hùng cũng chỉ ra ba nguồn lực có thể sử dụng để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân: bảo hiểm, ngân hàng và ngân sách Nhà nước.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB Việt Nam Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: ADB).

Nguồn lực đầu tiên mà người dân, doanh nghiệp trông vào là bảo hiểm để phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng được mua bảo hiểm và ngay cả khi được bồi thường, con số bối thường cũng nhỏ hơn nhiều so với mức thiệt hại thực tế. 

Tại Việt Nam, chưa có bảo hiểm mùa màng và những sản phẩm như bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm nông nghiệp,... cũng chưa phổ biến trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, toàn bộ hệ thống hạ tầng của khu vực nếu mua bảo hiểm tài sản công cũng sẽ được đền bù phần nào, đóng góp cho sự khôi phục hạ tầng của địa phương.

Việc phát triển thị trường bảo hiểm không phải ngày một, ngày hai nhưng sau những thời điểm như vừa qua là cơ hội để chúng ta thúc đẩy thị trường bảo hiểm và phát triển các thị trường liên quan để giảm thiểu rủi ro.

Nguồn lực thứ hai là từ ngân hàng. Sau trận bão lũ lịch sử, nhiều người dân, doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ bởi tài sản đảm bảo bị cuốn trôi, mất trắng nhưng lại đang mắc khoản nợ treo ở ngân hàng. 

Với những doanh nghiệp có khả năng khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, một đồng vốn cho vay thêm của ngân hàng trong lúc này có thể giúp họ hoạt động trở lại và nhanh chóng trả nợ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã kêu gọi ngành ngân hàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Ngay sau đó Thống đốc NHNN đã ban hành chỉ thị yêu cầu các ngân hàng khẩn trương cơ cấu nợ, miễn giảm lãi và xét duyệt vay mới cho những đối tượng này. 

"Trong dài hạn, chúng ta có thể khuyến khích hệ thống ngân hàng đưa ra các biện pháp có thể hỗ trợ doanh nghiệp như: Giãn nợ, cung cấp các khoản tín dụng mới bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Các biện pháp này thực hiện nhưng cần đặt trong tổng thể là đảm bảo an toàn hệ thống", ông Bá Hùng phân tích.

Thứ ba là nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Theo chuyên gia ADB, nguồn lực này thì không nên dành riêng cho doanh nghiệp mà nên dành để hỗ trợ người dân duy trì cuộc sống sau thiên tai, xây dựng lại nhà cửa, sửa chữa công cụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đầu tư vào hạ tầng và cùng lắm trợ cấp thì sẽ hiệu quả hơn, bởi số tiền này sẽ giúp tăng ngay tiêu dùng tại chỗ. Đối với doanh nghiệp chỉ nên hỗ trợ qua chính sách tài chính và hệ thống ngân hàng.

Theo đó, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, sửa chữa và xây dựng hạ tầng tốt hơn cho những khu vực bị ảnh hưởng. Thông qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng sức chống chịu với thiên tai.

Thiên tai không chỉ xảy ra một lần mà các địa phương, doanh nghiệp đều cần dự phòng trước bối cảnh nhiều đợt bão có thể xảy đến trong thời gian tớiVới doanh nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn bởi vì nếu doanh nghiệp phá sản lúc này không chỉ doanh nghiệp mà cả hệ thống ngân hàng cũng chịu thiệt hại.

Mới đây, Ngân hàng và Nhà nước (NHNN) cũng đang lấy ý kiến việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đến hết năm 2025. Theo đó, các khách hàng vay tại 26 tỉnh thànhsẽ được cơ cấu lại nợ trong trường hợp không có khả năng trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng từ bão Yagi hoặc có đối tác chịu thiệt hại từ cơn bão này. 

Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội cũng kiến nghị NHNN hỗ trợ cấp vốn cho doanh nghiệp để họ có tiền trả lượng, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Dài hạn hơn là miễn giảm tiền thuê đất 3 - 5 năm cho doanh nghiệp nông nghiệp bị ảnh hưởng.

VCCI cũng khuyến nghị tăng tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản, miễn tiền thuê mặt nước, phí ra vào cảng biển, sử dụng vị trí neo đậu,... đến một năm. Hoặc Nhà nước hỗ trợ 50 - 70% phí mua bảo hiểm cho các tàu cá, du lịch đến hết 2025.

Kỳ vọng rằng với những chính sách mới, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể vượt qua những ảnh hưởng do bão Yagi để lại và có những khởi đầu mới tốt đẹp hơn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An