|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Cơn bão Yagi - Bài 3] Bảo hiểm đón 'bão'

07:00 | 01/10/2024
Chia sẻ
Ngay sau cơn bão số 3, ngành bảo hiểm cũng đối mặt với "cơn bão" của chính mình với những con số ước tính bồi thường khổng lồ.

 

Cơn "bão" của ngành bảo hiểm

Khi mất mát xảy ra người ta có xu hướng nghĩ tới việc liệu có được bảo hiểm bồi thường. Tàu biển, ô tô, nhà xưởng, kho bãi,... những tài sản bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão Yagi đều là những đối tượng bảo hiểm được nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp dịch vụ. 

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm cập nhật đến chiều 20/9, đã ghi nhận khoảng 12.000 vụ  thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới,... tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm đã lên khoảng 9.000 tỷ đồng.

Dẫn đầu về thiệt hại trong số các doanh nghiệp phi nhân thọ đang là Bảo hiểm PVI. Tính đến ngày 23/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng sau cơn bão Yagi. Doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn thứ hai là Bảo hiểm Bảo Việt với 904 vụ ghi nhận và số tiền bồi thường 955 tỷ đồng (tính đến 18/9).

Ngoài ra, thiệt hại của các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm Quân đội (MIC), Bảo hiểm Agribank (ABIC) hay Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng. 

Hình ảnh tổn thất sau cơn bão. (Ảnh: EximBank).

Cũng theo thống kê của Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính),trong 9 tháng năm 2024, mức chi trả bồi thường bảo hiểm của các doanh nghiệp đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước với64.070 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu phí giảm 0,41% ở mức 165.518 tỷ. Trong đó, mức bồi thường các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước khoảng 17.621 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước 46.449 tỷ đồng.

"Ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm", Cục Quản lý giám sát bảo hiểm nhận định.

Những con số thiệt hại này lớn hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận trong những năm gần đây của các doanh nghiệp bảo hiểm. 1.174 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PVI, công ty Top đầu về thị phần và lợi nhuận trong nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, con số này chỉ bằng 1/3 mức khiếu nại tổn thất mà PVI nhận được sau bão Yagi. 

Trong khi đó với phần lớn các công ty bảo hiểm trong nhóm phi nhân thọ, mức lợi nhuận hàng năm chỉ vài trăm tỷ đồng.

Cũng phải lưu ý thêm rằng cơn bão lịch sử Yagi là thiên tại bất thường, không nằm trong hoặc vượt quá dự tính thiệt hại có thể phải gánh chịu của các công ty bảo hiểm. Do đó, với các con số bồi thường hàng trăm hoặc hàng nghìn tỷ đồng sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.

Những lo ngại đó đã phản ánh rất nhanh vào thị trường chứng khoán khi cổ phiếu toàn ngành bảo hiểm đã có liên tiếp những phiên đỏ lửa sau bão Yagi.

Tốc độ xử lý, đền bù của các DN bảo hiểm

Đứng trước những thiệt hại lớn nhưng nhân viên và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã có những bước xử lý khá nhanh chóng và kịp thời. 

Bảo hiểm PVI cho biết ngay khi có thông tin về cơn bão, công ty đã gửi thông tin khuyến cáo đến khách hàng bằng nhiều phương tiện khác nhau, hướng dẫn các phương thức tránh bão, bảo vệ tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, với sức tàn phá quá lớn của siêu bão, nhiều khách hàng của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Tất cả cán bộ bên bảo hiểm xe đang đi hiện trường còn các nhóm còn lại đang họp phương án xử lý bồi thường", đại diện truyền thông của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác chia sẻ với chúng tôi một ngày sau cơn bão.

Không chỉ các đơn vị bảo hiểm nói trên, nhiều công ty khác cũng cho biết ngay sau bão đã cử cán bộ liên hệ trực tiếp khách hàng đến ngay hiện trường, đặc biệt là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Hải Phòng, Quảng Ninh.... nhằm nắm bắt được tình hình tổn thất, giám đinh và xử lý bồi thường. Đồng thời, phối hợp cùng khách hàng hướng dẫn các biện pháp để hỗ trợ khắc phục hậu quả nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cũng trong ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm. 

Hơn 10 ngày từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, Bảo hiểm PVI bắt đầu tiến hành tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng, mức bồi thường chiếm tỷ lệ nhỏ so với con số ước tính nói trên nhưng là điểm đáng ghi nhận về tốc độ xử lý công việc của cán bộ tại đây.

Cần chuẩn bị gì để "tránh bão"

Có thể hình dung rằng, không phải cá nhân, doanh nghiệp nào bị thiệt hại trong bão Yagi đều được bảo hiểm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Để được được bồi thường, họ cần phải tham gia các gói bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm thiên tai trước đó. 

Đối với thiệt hại do thiên tai, chỉ những doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký bảo hiểm có mở rộng phạm vi bảo vệ cho thiên tai, bão lũ mới được xem xét bồi thường, những thiệt hại không có trong điều khoản hợp đồng, sẽ không được chi trả.

"Với trường hợp tham gia bảo hiểm cho nhà xưởng, tài sản, tàu bè, hàng hóa, nếu bị thiệt hại do bão số 3-Yagi gây ra, chúng tôi cần kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm của khách hàng. Nếu trong hợp đồng quy định thì sẽ được xem xét bồi thường dựa trên quy tắc bảo hiểm", ông Lê Như Hải - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho hay.

Nhìn ở góc độ tích cực, sự kiện Yagi cũng phần nào cảnh báo người dân, doanh nghiệp cần tăng thêm yêu cầu bảo hiểm cho các tài sản của chính mình, nhằm hạn chế và phòng ngừa tổn thất khi có những rủi ro bất ngờ xảy tới, giúp cho họ tránh được những cú sốc tài chính quá lớn trước những rủi ro như thiên tai.

"Tại nhà xưởng cũ, chúng tôi không mua bảo hiểm tài sản nên không được bồi thường về những thiệt hại do bão Yagi gây ra. Tuy nhiên, chúng tôi đang xây dựng một khu nhà xưởng có diện tích lớn hơn và chắc chắn là sẽ mua bảo hiểm với khu này", ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Văn Tịnh, một doanh nghiệp bị sập nhà xưởng sau bão tại Lào Cai cho hay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đang chịu thiệt hại mạnh, lúa gạo cũng như thuỷ hải sản đều chịu sự thất thoát lớn.

Một số sản phẩm nông nghiệp (tôm, cá, ruộng lúa,...) cũng đã được triển khai bán sản phẩm, nhưng phần lớn người dân chưa tham gia nhiều và chưa phát huy được tác dụng do rào cản về chi phí, chi phí bảo hiểm quá lớn đối với phạm vi khả năng, quy mô sản xuất của người dân.

Diệp Bình

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.