[Cơn bão Yagi - Bài 1] Những mất mát tỷ USD
Những mất mát tỷ USD
50.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD, là con số ước tính sơ bộ thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua gây ra. Những tác động của cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông được dự báo có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm nay khoảng 0,15 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,7 - 7% được Chính phủ đưa ra trước đó.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương sẽ chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35 điểm %, quý IV hạ 0,22 điểm % so với kịch bản không có bão Yagi. Thậm chí GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai,... có thể giảm trên 0,5 điểm %.
Quảng Ninh và Hải Phòng, hai tỉnh đón bão Yagi sớm nhất và cũng gánh chịu mức phá huỷ lớn nhất, chiếm hơn một nửa thiệt hại ghi nhận của cả nước với hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Ninh thiệt hại trên 24.200 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), còn Hải Phòng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão. Tăng trưởng khu vực này của cả nước ước giảm 1,04 điểm % trong quý III và giảm 0,24 điểm % trong quý IV, tính chung cả năm giảm 0,33 điểm %.
Trong khi đó các thiệt hại với hoạt động sản xuất công nghiệp là không quá lớn nhờ có cảnh báo sớm và sự chuẩn bị trước, ước tính tổn thất trên địa bàn 26 tỉnh thành bị ảnh hưởng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Quảng Ninh ghi nhận thiệt hại lớn về cơ sở vật chất kinh doanh các ngành dịch vụ, như khách sạn; nhà hàng; tàu chở khách du lịch; cảng tàu Tuần Châu; công viên Sunworld Hạ Long... bị hư hỏng. Đường hàng hải và đường thủy nội địa bị thiệt hại rất lớn khi hàng trăm tàu gồm tàu du lịch, tàu cá, tàu chở hàng,... bị chìm, cuốn trôi đi hàng chục tỷ đồng cho mỗi gia đình.
Tại Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp FDI lớn bị thiệt hại nặng như: Công ty Reginal (may mặc) bị hỏng nhiều hàng hóa, máy móc, công ty Pegatron bị hỏng nhiều hàng hóa, thành phẩm do nước khàn vào kho; Công ty LG Display ước hàng hóa thiệt hại do nước tràn vào nhà kho… ước tính thiệt hại trên 1.800 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhiều công trình công cộng, đường sá bị phá huỷ, nhiều dự án Thuỷ điện bị hư hỏng nặng nề do nước tràn vào nhà máy phải dừng phát điện dài ngày,... cũng tạo nên một bức tranh ảm đạm của nền kinh tế tại các tỉnh thành này.
Các con số thiệt hại kể trên là không hề nhỏ nhưng những con số trên thực tế có lẽ còn lớn hơn rất nhiều. Làm thế nào để tái thiết, phục hồi là câu hỏi đang được đặt ra với tất cả người dân cũng như doanh nghiệp đã và đang gánh chịu những hậu quả do bão Yagi để lại.
Bài toán phục hồi để ngỏ
"Mất trắng" là hai từ được nhiều người dân tại Quảng Ninh phản ánh với chúng tôi trong chuyến ghi nhận tình hình thiệt hại sau bão Yagi. Hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi, hàng trăm tàu thuyền phương tiện bị bão nhấn chìm, có những chiếc trị giá hàng chục tỷ đồng.
Hai tuần sau cơn bão lịch sử Yagi, anh Vũ Đình San, chủ tàu Bến Hải tại Vịnh Hà Long (Quảng Ninh) vẫn ngồi trên bờ để ngóng ba con tàu của mình đã bị đắm. 12 tỷ đồng đầu tư vay từ ngân hàng mất trắng, nay công vớt thuyền lên cũng phải cả trăm triệu đồng.
Thiệt hại lớn, nhưng anh không có nhiều để trông chờ, bởi sau tác động của COVID-19, lượng khách du lịch giảm sút không thể đóng được bảo hiểm thân tàu nên khi tàu bị hỏng, anh San không được tiền bảo hiểm.
Hiện các tàu vẫn dưới nước, mà ở càng lâu thì càng thiệt hại nhiều và mất nhiều tiền và thời gian mới có thể sửa chữa được. Giờ muốn bán cũng không ai mua, hoặc nếu có người mua thì cũng trả thấp không đủ trả lãi ngân hàng. Đợt tới không biết xoay tiền ở đâu để trả tiền lãi và gốc.
Hàng loạt tàu du lịch tại Quảng Ninh bị chìm và hư hỏng sau bão Yagi. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).
“Tất cả các tàu đều dừng hoạt động. Nếu bây giờ vay ngân hàng để vay đóng tàu mới thì phải có vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng là rất khó. Vì vậy, tôi đang tính phải chuyển nghề đi làm công nhân để trả nợ dần”, anh San cho hay.
Anh San cho biết, sau dịch COVID-19, phải mất gần 4 năm ngành du lịch mới phục hồi hoàn toàn, nhưng cơn bão này có khi cả chục năm chưa phục hồi nếu không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, đặc biệt là từ phía ngân hàng.
"Chúng tôi mong các ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ để chủ tàu có thể vay vốn để đóng lại một tàu mới hay để sửa chữa tàu cũ", anh San nêu rõ.
May mắn hơn những con thuyền của anh San, anh Bùi Thế Quảng, Giám đốc tàu Lux Cruises Group cho biết, hiện tại các tàu du lịch của đơn vị ở Hạ Long và Tuần Châu (Quảng Ninh) đã đón khách trở lại.
Song, tại Cát Bà (Hải Phòng) có hai chiếc cano bị đắm, toàn bộ phần trang trí kính và gỗ gần như bị bay hết. Hiện cả hai đã vớt lên và cho vào xưởng sửa chữa như để làm lại khung, cửa, thiết bị động cơ…. Nếu tính toán thiệt hại về cả tài sản và cơ hội kinh doanh có thể tới 5 tỷ đồng.
Vì vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ như miễn giảm các khoản phí và hỗ trợ tài chính, nhằm giúp các doanh nghiệp khác trong ngành sớm vượt qua khó khăn, anh Quảng đề nghị việc chi trả bảo hiểm về tài sản cần được đẩy nhanh để doanh nghiệp có vốn tái để sửa chữa các thiệt hại và phục hồi kinh doanh.
“Chúng tôi đã thống kê thiệt hại và gửi lên cơ quan bảo hiểm. Hy vọng, thời gian tới sẽ nhanh chóng nhận được số tiền này để nhanh chóng ổn định kinh doanh và đón khách quốc tế mua cao điểm cuối năm”, anh Quảng hy vọng.
Tại khu vực Tân An (Quảng Ninh), nơi có hàng trăm hộ gia đình đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, những ngày này là thời điểm khó khăn nhất vì phần lớn tài sản đầu tư của họ đã trôi ra biển.
Chị Ngô Thị Thuý, xã Tân An (Quảng Ninh) chia sẻ gia đình chị đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang, thiệt hại của gia đình lên tới 12 tỷ đồng. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng. "Giờ đây chúng tôi không biết xoay xở thế nào vì mọi tài sản đã bị dòng nước cuốn trôi”, chị Thuý chia sẻ.
“Còn gì nữa đâu, 3 bè cá của gia đình tôi thiệt hại gần 14 tỷ đồng, có những nhà bên cạnh thiệt hại 20 - 30 tỷ đồng. Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”, ông Vũ Văn Cường, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) nói.
Hay ở giữa thành phố Lào Cai, cả một dãy phố bị sạt lở đất khiến nhiều ngôi nhà nghiêng ngả và trở thành những đống đổ nát, 53 hộ dân mất nhà.
Những căn nhà đổ sụp, xiêu vẹo do sạt lở. (Ảnh: H.T).
Anh Nam, người dân sống tại khu phố này, cho biết việc sạt lở đến quá nhanh khiến gia đình anh trở tay không kịp, chỉ có thể mang đi những đồ thiết yếu như chăn màn, bát đũa. Ngôi nhà của anh đã đổ sập hoàn toàn đi cùng với toàn bộ tài sản còn lại, gia đình anh đang sống tạm ở nhà văn hoá và chưa biết đến khi nào sẽ được quay trở lại.
Cũng tại Lào Cai, Nhà máy Thuỷ điện Nậm Lúc (Bắc Hà) ghi nhận thiệt hại nặng nề, sạt lở nghiêm trọng đã san phẳng toàn bộ khu nhà điều hành của nhà máy, 5 cán bộ nhân viên thiệt mạng, khu vực máy móc bị ngập, nhiều khả năng hư hỏng. Đường vào thuỷ điện có nhiều đoạn bị sạt lở, cản trở các công tác khắc phục sau bão lũ. Tại thời điểm hiện tại, các cán bộ nhân viên nhà máy vẫn đang miệt mài bơm nước, dọn dẹp.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Anh - người điều hành tạm thời nhà máy, cho hay chưa được cấp điện lưới là khó khăn lớn nhất của nhà máy hiện nay vì toàn bộ máy móc thiết bị đang bị ngâm trong nước và bùn, nước cần được bơm hết ra bên ngoài để đánh giá được mức độ hư hỏng và kiểm định chất lượng trước khi đưa vào vận hành trở lại nhằm tránh rủi ro sau đó.
"Đây là một cú sốc lớn với doanh nghiệp của chúng tôi với những thiệt hại không ngờ tới. Ước tính thiệt hại về tài sản hạ tầng trên 100 tỷ đồng, chưa kể đến việc trong thời gian dừng vận hành để sửa chữa thuỷ điện sẽ không có doanh thu.", ông Tất Anh chia sẻ.
Được biết tổng đầu tư dự án Thuỷ điện Nậm Lúc (công suất lắp máy 28 MW) là gần 1.000 tỷ đồng, dự án được Ngân hàng SHB tài trợ vốn khoảng gần 700 tỷ. Doanh thu trước khi xảy ra cơn bão lũ vừa qua là khoảng 100 tỷ năm.
Để hỗ trợ khách hàng, phía ngân hàng đã chủ động liên hệ thăm hỏi và đưa ra những gói hỗ trợ thiết thực như giảm 50% lãi suất trong thời gian từ tháng 9 đến hết năm 2024, đồng thời cấp gói vay 50 tỷ đồng với lãi suất 4,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
"Đối với chúng tôi đó là những điều rất quý giá trong thời điểm hiện tại. Những hỗ trợ từ phía ngân hàng là điểm tựa về tài chính để chúng tôi cố gắng khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Tất Anh đánh giá.
Với sự hỗ trợ tài chính này, bài toán phục hồi của Thuỷ điện Nậm Lúc đã có một lời giải và nhà máy kỳ vọng sẽ có thể khôi phục và đi vào hoạt động phát điện trở lại trong vòng 3 tháng tới.
Những trường hợp được kể trên chỉ là một vài trong số rất nhiều những công trình bị phá huỷ, thiệt hại cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp hay những gia tài bị cuốn trôi bởi bão lũ của người dân. Chúng tôi mong rằng tất cả trường hợp này sẽ tìm được những lời giải cho bài toán khôi phục của chính họ với sự chung tay của nhiều phía: chính quyền các cấp, các đơn vị bảo hiểm, ngân hàng,... và cả đối tác của họ.
Đọc tiếp: Bài 2: Vốn để tái thiết và áp lực lên ngành ngân hàng