|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự kiến cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đến hết năm 2025

15:57 | 30/09/2024
Chia sẻ
Theo dự thảo, việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại không vượt quá ngày 31/12/2026.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiệt hại của bão số 3 (Yagi). Dự thảo thông tư trên áp dụng với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), không bao gồm ngân hàng chính sách. Dự kiến, Thông tư sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2024.

Khách hàng đi vay vốn tại các tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa gặp khó khăn trong việc trả nợ do bão Yagi sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Thông tư này. 

Theo quy định trong dự thảo, TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính TCTD. Thông tư áp dụng với khách hàng có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến hết ngày 31/12/2025.

Khách hàng sẽ được cơ cấu theo Thông tư trong trường hợp không có khả năng trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng từ bão Yagi hoặc có đối tác chịu thiệt hại từ cơn bão này. 

Đồng thời, khách hàng cần được TCTD đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại hoặc bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão Yagi và đang cần có thời gian để ổn định đời sống, xây dựng, tìm kiếm phương án khôi phục sản xuất kinh doanh. 

Việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trường hợp thứ hai (cần thời gian ổn định, khôi phục sản xuất) được thực hiện trong ba tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ không quá một năm kể từ ngày được cơ cấu lại thời gian trả nợ.

Trong những trường hợp khác, việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2026.

Thông tư đang được NHNN dự thảo có những nét tương đồng với Thông tư 02 và Thông tư 06 được ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID. 

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm của Yuanta Việt Nam, việc ban hành một quy định tương tự như Thông tư 02 sẽ hỗ trợ cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Một mặt, doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất, mặt khác giúp ngân hàng không dính phải giới hạn về nợ xấu để có thể tiếp tục cho vay. 

Ngoài chính sách hoãn, giãn nợ dự kiến sắp được trình, các ngân hàng cũng đã công bố nhiều gói lãi suất hỗ trợ cho người vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. 

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 32/40 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2% (chỉ từ hơn 4%/năm) cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão Yagi, tổng quy mô lên tới 405.000 tỷ đồng.

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.