|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lũ sông Hồng vượt mốc lịch sử 1968 gần 1m, Hà Nội cấm nhiều loại phương tiện qua cầu Chương Dương

11:01 | 10/09/2024
Chia sẻ
Nước sông Hồng dâng cao lên mặt cầu Chương Dương, vì vậy Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông báo cấm một số loại xe qua cầu.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, lúc 5h ngày 10/9, lũ trên sông Thao (sông Hồng) ở Bảo Hà (Lào Cai) và Yên Bái đã vượt mức lịch sử năm 2008 và 1968 gần 1m. Dự báo hôm nay lũ trên sông Hồng còn tiếp tục lên và đoạn qua Hà Nội có thể lên trên báo động 1 vào trưa 10/9. 

Nước sông Hồng dâng cao lên sát mặt cầu Chương Dương. (Ảnh: Người dân cung cấp).

Hiện nước sông Hồng đang dâng lên rất cao và tiến sát tới mặt cầu Chương Dương. Vì vậy, sáng 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo hạn chế xe qua Cầu Chương Dương.

Cụ thể, với hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên, Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ; cấm ôtô tải trên 0,5 tấn; xe buýt được chạy bình thường.

Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm, TP Hà nội cấm xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải trên 0,5 tấn; xe buýt được qua cầu.

Sở Giao thông vận tải khuyến nghị các loại xe khách, xe hợp đồng, ô tô du lịch trên 9 chỗ và ôtô tải trên 0,5 tấn lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Theo Sở Giao thông Vận tải, việc cấm một số xe để đảm bảo an toàn cho người và xe. Ảnh hưởng của bão Yagi các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu cầu.

Cầu Chương Dương được xây từ năm 1983, sử dụng từ tháng 6/1985, đến nay đã 39 năm. Từ năm 1985 đến 2010, đây là cầu độc đạo cho ôtô đi từ trung tâm Hà Nội sang Gia Lâm, kết nối với các tỉnh phía Bắc. Hiện mỗi ngày, cầu có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, hơn 8 lần so với thiết kế.

Ngoài cầu Chương Dương bị ảnh hưởng, cầu Thăng Long cũng đang tới mức báo động thuyền bè qua lại do nước dâng cao. (Ảnh: Hạ An).

Ngoài các phương tiện đường bộ, ngành đường sắt cũng vừa thông báo sẽ không chạy tàu qua Cầu Long Biên do nước sông Hồng dâng cao và chảy siết.

Theo đó, các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội-Hải Phòng sẽ thay đổi lịch trình với Ga Gia Lâm là ga xuất phát và kết thúc hành trình. Hành khách có vé có ga đi từ Ga Hà Nội, Ga Long Biên di chuyển tới Ga Gia Lâm để đi tàu. Hành khách có vé tàu có ga đến là Ga Hà Nội, Ga Long Biên sẽ kết thúc hành trình tại Ga Gia Lâm.

Hạ An