Các quỹ đầu tư lớn thúc giục G7 nói 'không' với điện than để chống biến đổi khí hậu
New York kiện các 'ông lớn' dầu mỏ gây biến đổi khí hậu | |
Khai mạc hội nghị thượng đỉnh về tài trợ chống biến đổi khí hậu |
Theo nhóm các quỹ đầu tư này, kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính của chính phủ Mỹ quá ít ỏi để có thể hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên vốn đã được các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí tại hội nghị khí hậu Paris vào năm 2015. Tổng thống Donald Trump một năm trước đã tuyên bố rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu trên.
Nhà máy nhiệt điện than Scholven tại thành phố Gelsenkirchen, Đức. Nguồn: Ina Fassbender/Reuters. |
“Sự chuyển dịch toàn cầu đến các nguồn năng lượng sạch đang diễn ra, nhưng vẫn còn nhiều việc mà các chính phủ phải làm”, nhóm 288 nhà đầu tư tổ chức viết trong một tuyên bố trước thềm hội nghị G7 diễn ra trong hai ngày 8 và 9/6 tại Canada.
Các nhà đầu tư tổ chức tham gia ký kết tuyên bố trên gồm Allianz Global Investors, Aviva Investors, DWS, HSBC Global Asset Management, Nomura Asset Management, Australian Super, HESTA và một số quỹ hưu trí Mỹ.
Như một phần hành động để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư kêu gọi chính phủ các nước “từng bước loại bỏ nguồn điện than trên toàn cầu vào những thời hạn đã cam kết”, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và “áp một mức giá hợp lý lên carbon”.
Các quỹ đầu tư cũng thúc giục các chính phủ củng cố kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2020 và đảm bảo các doanh nghiệp cải thiện báo cáo tài chính liên quan đến khí hậu.
Bà Stephanie Pfeifer – Giám đốc điều hành Nhóm Nhà đầu tư Tổ chức về Biến đổi Khí hậu (IIGC), cho biết đây là lần đầu tiên một nhóm đông đảo nhà đầu tư tổ chức cùng lên tiếng kêu gọi ngưng sử dụng than nhiệt lượng cao dùng trong phát điện. Điện than hiện chiếm gần 40% tổng lượng điện trên toàn thế giới.
Các quốc gia G7 như Canada, Anh, Pháp và Italy là thành viên của liên minh Phát điện Không dùng Than (Powering Past Coal) được thành lập hồi năm ngoái và quy tụ gần 30 nước tham gia. Liên minh này ra đời với mục tiêu chấm dứt việc sử dụng điện than vào năm 2030. Nhật Bản, Đức và Mỹ nằm ngoài liên minh này.
Các quỹ đầu tư cho rằng, các quốc gia và doanh nghiệp thực thi hiệp định khí hậu Paris “sẽ nhìn thấy những lợi ích kinh tế đáng kể và thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư”.